Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc khả năng duy trì tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 ở 10 tỉnh, thành, trong đó có thủ đô Tokyo, nhằm thực hiện chương trình tiêm vắc xin phòng COVID-19 một cách suôn sẻ.
Trên một đường phố ở Tokyo, Nhật Bản. |
Tại thời điểm hiện nay, số lượng ca nhiễm mới ở Nhật Bản đang có xu hướng giảm, trong khi tình hình hệ thống y tế cũng đang dần cải thiện.
Ngày 17/2, Nhật Bản chỉ ghi nhận thêm 1.448 ca nhiễm mới và 79 người tử vong vì dịch COVID-19. Đáng chú ý, số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo chỉ là 378 ca. Đây là ngày thứ 11 liên tiếp số ca nhiễm mới ở thành phố này ở dưới ngưỡng 500.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia y tế, đà giảm của các ca nhiễm mới vẫn còn chậm, trong khi số lượng ca nhiễm không thể truy vết vẫn tăng nhẹ. Do vậy, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura, người phụ trách công tác ứng phó với dịch COVID-19 của chính phủ, cho rằng cần phải giảm bớt tình trạng căng thẳng cho các nhân viên y tế càng nhiều càng tốt trong lúc họ vừa phải đối phó với dịch bệnh, vừa cung cấp các dịch vụ y tế thông thường và tiêm phòng vắcxin.
Trước đó, ngày 17/2, Nhật Bản đã bắt đầu chương trình tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Từ nay đến cuối tuần sau, khoảng 100 bệnh viện, chủ yếu bệnh viện công lập, sẽ tiêm mũi đầu tiên cho 40.000 nhân viên y tế có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
Sau đó, 3,7 triệu nhân viên y tế khác sẽ được tiêm phòng vào cuối tháng này. Từ giữa tháng 3/2021, các địa phương sẽ bắt đầu phát phiếu tiêm phòng vắc xin cho 36 triệu người từ 65 tuổi trở lên, và việc tiêm phòng cho các đối tượng này sẽ bắt đầu trong tháng 4.
Các nhóm ưu tiên khác, gồm 8,2 triệu người có bệnh mãn tính, 2 triệu nhân viên điều dưỡng và 7,5 triệu người từ 60-64 tuổi, sẽ được tiêm phòng sau đó. Việc tiêm phòng cho các đối tượng khác từ 16 tuổi trở lên sẽ bắt đầu vào mùa hè năm nay.
THANH TÙNG (TTXVN)