Theo báo cáo khảo sát do công ty khảo sát Tokyo Shoko Research thực hiện và được công bố ngày 2/2, dưới tác động của đại dịch COVID-19, chỉ trong thời gian gần 1 năm qua, gần 1.000 DN vừa và nhỏ tại Nhật phải tuyên bố phá sản.
Chiếm số đông trong các DN bị phá sản là các công ty hoạt động trong các lĩnh vực như dịch vụ ăn uống (182 trường hợp), may mặc (91 trường hợp), xây dựng (83 trường hợp), khách sạn (62 trường hợp).
Phần lớn các DN phá sản tập trung tại Tokyo (247 trường hợp), Osaka (94 trường hợp), tỉnh Kanagawa (55 trường hợp) và hơn một nửa số vụ phá sản nằm ở các DN có khoản nợ dưới 100 triệu yen.
Trước việc nhiều DN bị ảnh hưởng do kéo dài tình trạng khẩn cấp, để hỗ trợ các DN, Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ tăng khoản tiền hỗ trợ một lần đối với các DN cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho cửa hàng ăn uống đáp ứng các yêu cầu của chính phủ về việc rút ngắn thời gian kinh doanh để hạn chế sự lây lan của đại dịch COVID-19. Mức hỗ trợ tối đa dự kiến sẽ rơi vào 1,8 triệu yen/cửa hàng.
Đối với các DN quy mô trung bình, vừa, nhỏ có giao dịch cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các cửa hàng ăn, Chính phủ Nhật Bản sẽ nâng mức hỗ trợ một lần cho các doanh nghiệp này từ mức tối đa 400.000 yen lên mức 600.000 yen.
Đối với hộ kinh doanh cá nhân, khoản tiền hỗ trợ cũng được nâng từ mức tối đa 200.000 yen lên mức 300.000 yen.
Nguồn kinh phí để thực hiện chính sách này sẽ được lấy từ khoản ngân sách dự phòng hiện vẫn còn khoảng 3.800 tỷ yen chưa dùng đến.
Phát biểu trong buổi họp báo tối ngày 2/2, Thủ tướng Suga Yoshihide cũng cho biết sẽ nghiên cứu biện pháp hỗ trợ đối với người lao động không chính quy tại các DN lớn.
ĐỨC THỊNH (Vietnam+)