Tại hội nghị thượng đỉnh về tiêm chủng ở Đức ngày 2/2, chính quyền liên bang, các bang cùng các nhà sản xuất dược phẩm đã thảo luận về một chiến lược chung cho chiến dịch tiêm chủng của Đức, theo đó chính quyền trung ương và địa phương ở Đức nhất trí sẽ xây dựng một kế hoạch tiêm chủng toàn quốc.
Một điểm tiêm chủng vắc xin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Berlin (Đức). |
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị trực tuyến nêu trên, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, những “nút thắt” trong nguồn cung vắc xin sẽ nhanh chóng được giải quyết, đồng thời cam kết có thể cung cấp đủ vắc xin cho mọi người dân Đức vào cuối mùa hè này.
Thủ tướng Merkel cũng cho biết, kế hoạch tiêm chủng quốc gia sẽ quy định thời hạn chuyển giao vắc xin trong tương lai. Kế hoạch sẽ do Bộ Y tế liên bang cùng các bang xây dựng và sẽ được công bố vào ngày 10/2, trong đó cũng thiết lập nền tảng hỗ trợ sản xuất vật tư y tế như ống đựng thuốc hay kim tiêm.
Thủ tướng Merkel cũng bảo vệ tiến trình tiêm chủng diễn ra chậm ở EU so với ở Mỹ hay Israel khi cho rằng năng lực sản xuất vắc xin của châu Âu còn hạn chế, trong khi châu Âu không có cơ chế cấp phép vắc xin nhanh trong trường hợp khẩn cấp và quy trình này thường mất thời gian cho tới khi được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép.
Cuộc gặp trên là hội nghị thượng đỉnh về tiêm chủng đầu tiên ở Đức, với sự tham gia của nhiều công ty dược phẩm (như BioNTech, Pfizer, Curevac, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson) cũng như các nhà sản xuất và đại diện một số hiệp hội hóa chất. Ngoài Thủ tướng Merkel, một số bộ trưởng liên bang, thủ hiến các bang và đại diện của Ủy ban châu Âu tham dự hội nghị này.
Ngay trước khi diễn ra hội nghị trên, công ty dược phẩm BioNTech của Đức cho biết có kế hoạch sản xuất 2 tỷ liều vắc xin trong năm 2021, cao hơn nhiều so với mức dự kiến trước đó là 1,3 tỷ liều. Công ty này cũng cho biết có thể đáp ứng thời hạn cung ứng vắc xin cho châu Âu.
MẠNH HÙNG (TTXVN)