Ngày 19/2, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết đã điện đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani, trong đó ông Michel khẳng định, Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ việc thực thi đầy đủ thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, hay còn được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak ở phía Nam thủ đô Tehran. |
Trên mạng xã hội Twitter, ông Michel viết: “Tôi đã điện đàm với Tổng thống Hassan Rouhani. EU ủng hộ việc thực thi đầy đủ JCPOA. Việc duy trì không gian ngoại giao, được củng cố bằng các bước đi tích cực, là điều quan trọng trong giai đoạn này”.
Trong cuộc họp diễn ra cùng ngày, ngoại trưởng các nước Anh, Pháp, Đức và Mỹ đã khẳng định lợi ích an ninh cốt lõi chung của việc duy trì cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân đối với Iran.
Theo Bộ Ngoại giao Anh, ngoại trưởng 4 nước cũng bày tỏ quan ngại trước việc Iran thông báo nước này gần đây tiếp tục sản xuất urani được làm giàu với độ tinh khiết lên tới 20% cũng như kim loại urani.
Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với các nước đồng minh liên quan đến số phận của JCPOA.
Cách đây vài ngày, Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei đã lên tiếng yêu cầu Mỹ đưa ra những hành động cụ thể nếu muốn Iran quay trở lại với JCPOA.
Cùng ngày 19/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố Bắc Kinh luôn tin rằng việc Mỹ quay trở lại với JCPOA là con đường đúng đắn duy nhất để phá vỡ thế bế tắc về hạt nhân với Iran. Bà kêu gọi tất cả các bên khẩn trương hành động, phối hợp cùng nhau để thực thi những sự đồng thuận đạt được tại cuộc họp ngoại trưởng hồi tháng 12/2020 , thúc đẩy Mỹ quay trở lại JCPOA vô điều kiện sớm nhất có thể và dỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt đối với Tehran.
Trung Quốc cũng kêu gọi tất cả các bên bình tĩnh và kiềm chế, tránh đưa ra những hành động làm căng thẳng thêm trầm trọng và nhường chỗ cho các nỗ lực ngoại giao.
HOA HẠ (Vietnam+)