Liên hợp quốc kêu gọi giải quyết khủng hoảng kinh tế ở Yemen
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày15/12 kêu gọi các quốc gia thành viên giúp giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng ở Yemen - đất nước vốn đã sa lầy trong cuộc nội chiến kể từ cuối năm 2014.
Các lực lượng ủng hộ Chính phủ Yemen trong chiến dịch truy quét phiến quân Houthi tại khu vực ngoại ô Hodeidah, Yemen. |
Trong một tuyên bố đưa ra nhân kỷ niệm 2 năm ngày ký Thỏa thuận Stockholm giữa Chính phủ Yemen và phiến quân Houthi, Tổng thư ký Liên hợp quốc “kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên tăng cường hỗ trợ tài chính cho các hoạt động cứu trợ của Liên hợp quốc và giúp giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng ở nước này”.
Ông Antonio Guterres lưu ý Thỏa thuận Stockholm là “một bước đột phá ngoại giao mang lại tia hy vọng rằng việc chấm dứt cuộc xung đột khốc liệt ở Yemen đã ở trong tầm tay.” Đồng thời, Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh “cần phải làm nhiều hơn nữa” để đạt được mục tiêu chung đó - và nỗi đau khổ tận cùng của người dân Yemen vẫn còn dai dẳng.
Tổng thư ký Liên hợp quốc cho rằng, thỏa thuận đã giúp ngăn chặn leo thang quân sự thảm khốc vào thời điểm đó. Do đó, nó cần tiếp tục được bảo vệ mặc dù giới hạn chức năng của các cảng Biển Đỏ, nhập hàng hóa thương mại và hỗ trợ nhân đạo quan trọng, mà hàng triệu người Yemen phụ thuộc để duy trì sự sống.
Người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh “việc bảo tồn huyết mạch này thậm chí còn quan trọng hơn trong thời điểm hiện nay khi các tình trạng giống như nạn đói đã trở lại ở Yemen và hàng triệu người đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19”.
Tổng thư ký Liên hợp quốc cho rằng, “điều quan trọng là phải tránh bất kỳ hành động nào có thể làm trầm trọng thêm tình hình nghiêm trọng ở Yemen. Chỉ thông qua đối thoại, các bên Yemen mới có thể đạt được một lệnh ngừng bắn trên toàn quốc.
Các biện pháp xây dựng lòng tin về kinh tế và nhân đạo để giảm bớt đau khổ của người dân Yemen, cũng như nối lại tiến trình chính trị bao trùm để đạt được một thỏa thuận đình chiến toàn diện nhằm chấm dứt cuộc xung đột”.
PHƯƠNG UYÊN (TTXVN)