Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, sẽ không có có đủ lượng vắc xin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong 3-6 tháng tới để ngăn chặn được sự gia tăng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tiêm thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 cho tình nguyện viên tại Anh. |
Phát biểu tại một sự kiện truyền thông xã hội ngày 3/12, Giám đốc phụ trách Chương trình khẩn cấp của WTO, ông Mike Ryan nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ không có đủ vắc xin để ngăn chặn gia tăng ca nhiễm trong 3-6 tháng”. Ông Ryan kêu gọi người dân duy trì giãn cách xã hội và tuân thủ các biện pháp khác nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19.
WHO đưa ra nhận định trên trong bối cảnh nhiều nước đã lên kế hoạch tiêm chủng đại trà. Bang New York của Mỹ sẽ tiêm chủng đợt đầu tiên cho 170.000 người sau khi nhận được vắc xin vào ngày 15/12 tới.
Phát biểu tại họp báo ngày 2/12, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết, đợt vắc xin đầu tiên đến bang này là sản phẩm của hãng dược Pfizer phối hợp với hãng BioNTech SE bào chế sẽ ưu tiên phân phối cho các viện dưỡng lão. Đợt thứ hai là vắc xin của hãng Moderna dự kiến sẽ tới New York vào khoảng cuối tháng 12 này.
Theo kế hoạch phân phối vắc xin mà Thống đốc Cuomo công bố, phần lớn người dân ở bang có 19 triệu dân này sẽ chưa đến lượt được tiêm trong nhiều tháng tới. Trong khi đó, các hoạt động kinh tế chỉ có thể trở lại bình thường nếu 75-85% người dân được tiêm phòng COVID-19.
Trong khi đó, Bộ Y tế Mexico cho biết, sẽ tiếp nhận lô vắc xin đầu tiên của hãng Pfizer, với 250.000 liều trong tháng 12 này và ưu tiên cung cấp cho đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch.
Bên cạnh đó, Mexico cũng thanh toán trước 160 triệu USD để mua các lô vắc xin đầu tiên theo Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin COVID-19 (COVAX) do WHO khởi xướng. Mexico sẽ mua 51,57 triệu liều vắc xin theo cơ chế này. Chính phủ Mexico thông báo đã dành sẵn 458 triệu USD mua vắc xin cung cấp miễn phí cho người dân.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết hơn 100.000 người đã được tiêm vắc xin Sputnik V do Nga sản xuất. Thông báo trong buổi giới thiệu vắc xin tại Liên hợp quốc, ông Murashko cho biết, Sputnik V đang được chuyển đến tất cả các vùng của Nga để tiến hành một chiến dịch tiêm chủng đại trà trong thời gian ngắn. Trước đó, trong ngày 3/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị chính phủ bắt đầu cho tiêm chủng đại trà vào cuối tuần tới.
Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), ông Kirill Dmitriev cho biết nước này có thể sản xuất hơn 60 triệu liều vắc xin Sputnik V mỗi tháng, từ tháng 3/2021.
BÍCH HÙNG (TTXVN)