Các bộ trưởng tài chính châu Âu ngày 1/12 đã nhất trí về những cải cách quan trọng đối với quỹ cứu trợ của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), vốn bị treo trong khoảng 1 năm qua do sự không đồng tình của Italia và cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Chủ tịch Nhóm Bộ trưởng Tài chính Eurozone Paschal Donohoe. |
Quỹ cứu trợ Eurozone, còn được gọi là Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM), sẽ trở thành phương sách cung cấp tài chính cuối cùng của khối này vào năm 2022. Đây được coi là một trong những công cụ tài chính quan trọng nhất của EU sau Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bởi nó giúp tạo thêm sức mạnh tài chính cũng như gia tăng quyền hạn giám sát đối với các nước gặp khó khăn trong khu vực này.
Được lập ra vào năm 2012 giữa “sức nóng” của cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone, Cơ chế Bình ổn châu Âu đã được sử dụng để ngăn các nước bao gồm cả Hy Lạp vỡ nợ. Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết, việc cải cách Cơ chế Bình ổn châu Âu đã góp phần củng cố sự vững mạnh của đồng euro và toàn bộ lĩnh vực tài chính châu Âu. Các khoản vay từ Cơ chế Bình ổn châu Âu, với tỷ lệ lãi suất ưu đãi dành cho các nước thành viên, giúp cải thiện năng lực cạnh tranh và củng cố tài chính tình hình tài chính công của họ.
Mặc dù Eurozone đã đồng ý cải cách Cơ chế Bình ổn châu Âu từ năm 2019, nhưng động thái này đã không nhận được sự ủng hộ của Italy, khiến các cuộc đàm phán bị ngưng trệ và tình hình tiếp tục rơi vào bế tắc do khủng hoảng COVID-19.
Quỹ này đã gây nên sự chia rẽ quan điểm ở Italia khi một số ý kiến cho rằng đây là một công cụ gây ảnh hưởng của Brussels, dẫn đến các tuyên bố tương tự từ bên trong đảng liên minh cầm quyền. Nước này cũng lo ngại rằng các thay đổi của Cơ chế Bình ổn châu Âu có thể tác động tới niềm tin của thị trường đối với các khoản nợ của Italia.
MINH TRANG (TTXVN)