Nước Mỹ trước thời khắc quyết định

Thứ Hai, 02/11/2020, 22:14 [GMT+7]
In bài này
.

Đến nay, hơn 90 triệu cử tri Mỹ đã hoàn thành nghĩa vụ công dân trước ngày tổng tuyển cử 3/11. Con số này tương đương 58% tổng số phiếu bầu của cuộc bầu cử năm 2016, cũng là mức cao kỷ lục trong hơn 1 thế kỷ qua.

Các hình ảnh trong chiến dịch vận động tranh cử nước rút của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump (cột ảnh trái) và ứng viên của đảng Dân chủ Joe Biden (cột ảnh phải) lần lượt tại Wisconsin và Pennsylvania cùng Delaware và Iowa trong các ngày tương ứng 30 và 31/10/2020.
Các hình ảnh trong chiến dịch vận động tranh cử nước rút của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump (cột ảnh trái) và ứng viên của đảng Dân chủ Joe Biden (cột ảnh phải) lần lượt tại Wisconsin và Pennsylvania cùng Delaware và Iowa trong các ngày tương ứng 30 và 31/10/2020.

Trong cuộc tổng tuyển cử này, cử tri Mỹ sẽ bầu tổng thống và phó tổng thống, toàn bộ 435 ghế tại hạ viện, 35/100 ghế tại thượng viện, 11 vị trí thống đốc bang cùng khoảng 5.000 ghế trong các cơ quan lập pháp cấp bang trên toàn quốc.

Giữa những xáo trộn của chiến dịch tranh cử năm nay, duy chỉ có một điều vẫn bất biến: cử tri sẽ phải lựa chọn giữa hai đường lối chính sách khác biệt nhau, giữa một bên là đương kim Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa theo đường lối bảo thủ và một bên là cựu Phó Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ theo đường lối tự do. Điều này không chỉ phản chiếu sự khác biệt ý thức hệ lâu đời của hai đảng, mà còn cho thấy tìm được sự đồng thuận đang trở thành một điều “xa xỉ” ở nước Mỹ ngày nay.

Tổng thống Trump và cựu Phó Tổng thống Biden được ví như hai thái cực trái ngược với những cách tiếp cận khác biệt trong việc giải quyết các vấn đề quốc gia đại sự. Năm 2016, ông Trump đã giành chiến thắng với cương lĩnh tranh cử “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Với thông điệp “Keep America great” (Duy trì nước Mỹ vĩ đại), nghị trình được ông Trump đưa ra nếu ông tái đắc cử tập trung vào việc làm, thuế và kinh tế.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái và hàng chục triệu người mất việc, ông Trump nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là khôi phục nền kinh tế đầu tàu thế giới về mức trước khi đại dịch ập đến. Ông cam kết tạo ra 10 triệu việc làm mới trong 10 tháng và 1 triệu DN nhỏ mới.

Về chăm sóc y tế, ông Trump tiếp tục hạ thấp tác động của dịch COVID-19 và đặt nhiều kỳ vọng vào việc tìm ra một loại vaccine hiệu quả vào cuối năm nay, với cam kết “trở lại trạng thái bình thường vào năm 2021”, tích trữ đủ nhu yếu phẩm và đảm bảo lực lượng lao động trọng yếu có đủ nguồn lực cần thiết sẵn sàng đương đầu với các đại dịch trong tương lai. 

Ông Trump cũng thúc đẩy mạnh mẽ thông điệp về “pháp luật và trật tự” để đối phó với tình trạng bạo lực và biểu tình diễn ra ở trên khắp nước Mỹ mùa hè vừa qua. Đó là cam kết bảo vệ lực lượng cảnh sát trong bối cảnh ngày càng nhiều cuộc biểu tình phản đối cách hành xử không đúng mực của cảnh sát với người da màu, có hành động cứng rắn đối với người nhập cư bất hợp pháp và đưa ra các yêu cầu khắt khe hơn đối với người nhập cư hợp pháp.

Trong chiến dịch tái tranh cử này, ông đang thể hiện như một nhà trung gian khi thúc đẩy các nước Arab bình thường hóa quan hệ với Israel. Ông cũng đề cập tới những thành quả lớn như đã thuyết phục thêm các nước thành viên NATO thực hiện cam kết dành 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng, giảm sự hiện diện quân sự ở Afghanistan và các điểm nóng khác.

Trong quan hệ với các nước, ông Trump chủ trương duy trì cách tiếp cận mềm mỏng với Nga và Triều Tiên, song bảo lưu lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc. Ông cũng thúc đẩy các thỏa thuận song phương, đồng thời tuyên bố sẽ hiện thực hóa kế hoạch đưa Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vì cho rằng thỏa thuận này gây thiệt hại lớn cho Mỹ.

Với thâm niên gần 50 năm tham gia chính trường, ứng cử viên Biden lại tận dụng kinh nghiệm lâu năm để thể hiện mình là một người vững vàng, có khả năng trấn tĩnh một đất nước đang hỗn loạn. Chăm sóc y tế là ưu tiên hàng đầu của chính khách này với chiến dịch tranh cử đặc biệt tập trung vào cách ứng phó dịch COVID-19, cam kết xét nghiệm miễn phí cho toàn bộ người dân. Ông tuyên bố mở rộng ACA cũng như cho phép người Mỹ lựa chọn tham gia một chương trình BHYT công tương tự như Medicare. Quan điểm về nhập cư của ông Biden cũng mềm mỏng hơn ông Trump khi chủ trương hỗ trợ những người nhập cư trái phép trở thành công dân Mỹ, coi những người nhập cư không có giấy tờ hay tiền án “không nên là trọng tâm của việc trục xuất”.

Với kế hoạch “Build back better” (Xây dựng lại tốt hơn), về kinh tế, ông Biden chủ trương bãi bỏ các khoản cắt giảm thuế của chính quyền đương nhiệm. Ông đề xuất tăng thuế DN, nâng thuế thu nhập cá nhân và thúc đẩy mức lương tối thiểu 15 USD/giờ. 

Chính sách đối ngoại của ông Biden cũng khác hoàn toàn với đối thủ Cộng hòa. Ông Biden thường xuyên đề cập tới mong muốn khôi phục vị thế của Mỹ trên trường quốc tế, cam kết tung ra một “cơn sóng thần” những đổi thay trong cách nước Mỹ xử lý các vấn đề quốc tế. Ông Biden ủng hộ mạnh mẽ các mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh, đặc biệt là NATO. Với Trung Quốc, dù cáo buộc nước này phải chịu trách nhiệm về những hành vi thương mại không công bằng, ông Biden tỏ ý sẽ giải quyết vấn đề thông qua một nỗ lực quốc tế thay vì phát động cuộc chiến thương mại. Ông cũng tuyên bố nếu đắc cử sẽ khôi phục tư cách thành viên của Mỹ trong WHO và có thể tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Xét về lợi thế và hạn chế của mỗi ứng cử viên, giới phân tích đánh giá ông Trump có được sự ủng hộ trung thành không thể lay chuyển của nhóm cử tri nền tảng vốn chiếm hơn 1/3 dân số Mỹ, những người năm 2016 đã cho thấy rằng dù đứng sau trong các cuộc thăm dò, ông Trump vẫn có thể giành chiến thắng. Người Mỹ tỏ ra tin tưởng ông Trump hơn ông Biden trong lĩnh vực kinh tế, vốn là mối quan tâm lớn của đại đa số cử tri.

Ngoài ra, điểm mạnh của ông Trump chính là vị thế tổng thống đương nhiệm. Trong 45 đời tổng thống Mỹ, chỉ có 10 tổng thống thất bại trong cuộc tranh cử nhiệm kỳ hai. Một điểm đặc biệt nữa là ông Trump chưa bao giờ hết lôi cuốn trong suốt 4 năm tràn ngập các cuộc đấu tranh chính trị liên tiếp, và vẫn luôn là một “chiến binh” may mắn...

Lợi ích kinh tế sát sườn hay ưu tiên chăm sóc y tế đang trở nên đặc biệt quan trọng giữa lúc dịch bệnh hoành hành, cử tri Mỹ sẽ trả lời câu hỏi này sau ngày 3/11/2020.

PHƯƠNG OANH (TTXVN)

 
;
.