Nghị viện châu Âu kiên quyết không nhượng bộ vấn đề ngân sách
Những bất đồng mới trong Liên minh châu Âu (EU) lại nổi lên khi hai nước thành viên là Ba Lan và Hungary phản đối việc gắn ngân sách dài hạn của liên minh và gói cứu trợ kinh tế sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 với việc tuân thủ nguyên tắc pháp quyền.
Toàn cảnh một phiên họp của Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp). |
Ngày 19/11, EU tuyên bố sẽ không nhượng bộ để đáp ứng yêu cầu của Ba Lan và Hungary bất chấp việc hai nước này bác kế hoạch khôi phục kinh tế và ngân sách dài hạn 2021-2027 của EU.
Kế hoạch ngân sách và gói phục hồi kinh tế của EU có tổng trị giá 1.800 tỷ euro (khoảng 2.100 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các nước thành viên chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, vốn đã được các nhà lãnh đạo EU thống nhất trong tháng 7 vừa qua.
Ngày 5/11, Nghị viện EU (EP) và 27 quốc gia thành viên nhất trí sẽ gắn kèm dự luật ngân sách dài hạn của toàn liên minh với một cơ chế yêu cầu các quốc gia tôn trọng pháp quyền EU.
Hội đồng châu Âu nêu rõ cơ chế này nhằm cho phép bảo vệ ngân sách EU trong trường hợp xảy ra những sự cố như một quốc gia thành viên vi phạm pháp quyền mà điều này trực tiếp tác động hoặc có nguy cơ cao ảnh hưởng tới nguyên tắc quản lý tài chính an toàn của ngân sách, hoặc nguyên tắc bảo vệ lợi ích tài chính của EU.
Tuy nhiên, Ba Lan và Hungary kiên quyết phản đối điều kiện trên và đã bác kế hoạch ngân sách của EU. Theo quy định, các kế hoạch này sẽ không thể triển khai nếu không nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của tất cả các nước thành viên và EP.
Lý giải cho quyết định trên, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho rằng, việc đưa ra cơ chế gắn với tuân thủ nguyên tắc pháp quyền là “dựa trên sự độc đoán và mang động cơ chính trị.
Nếu chấp nhận, nó sẽ dẫn đến hợp pháp hóa việc áp dụng các “tiêu chuẩn kép” đối với các nước thành viên. Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố ông không thể nhất trí với điều kiện đi kèm vì nó không phù hợp với gói cứu trợ được thông qua trong tháng 7.
Tuy nhiên, ngày 18/11, EP đã ra tuyên bố sẽ “không có thêm sự nhượng bộ nào” trước yêu cầu của hai nước trên. Tuyên bố tái khẳng định lập trường của EP rằng các thỏa thuận đã đạt được về kế hoạch ngân sách 2021-2027 trị giá 1.100 tỷ euro và gói phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ euro là “thỏa thuận cuối cùng” và không thể đàm phán lại.
Trong khi đó, Pháp cảnh báo vẫn còn phương án để thúc đẩy việc thông qua gói kích thích kinh tế trên mà không cần sự chấp thuận của Hungary và Ba Lan.
Trước đó cùng ngày, Ủy viên phụ trách vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni đã lên tiếng kêu gọi các nước thành viên ủng hộ kế hoạch ngân sách và gói phục hồi kinh tế nói trên. Ông hối thúc các nước thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với công dân của mình cũng như đối với tất cả người dân châu Âu vào thời điểm quan trọng này và thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế một cách hiệu quả.
Theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo EU sẽ nhóm họp theo hình thức trực tuyến để thảo luận việc Ba Lan và Hungary bác kế hoạch ngân sách trên. Tuy nhiên, các quan chức EU đã hạ thấp khả năng đạt được một “giải pháp diệu kỳ” cho vấn đề ngân sách tại sự kiện này. Các nước trong EU vẫn đang chật vật đối phó với làn sóng dịch COVID-19 thứ hai.
PHƯƠNG OANH (Vietnam+)