.

RCEP - Động lực phục hồi kinh tế châu Á-Thái Bình Dương hậu COVID-19

Cập nhật: 20:10, 16/11/2020 (GMT+7)

Sau hàng chục vòng đàm phán và thảo luận kéo dài trong 8 năm, các thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 5 nước đối tác đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), mở ra cơ hội mới cho hợp tác thương mại đa phương, trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế thế giới vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chứng kiến Lễ ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chứng kiến Lễ ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP.

RCEP sẽ là nền tảng để châu Á-Thái Bình Dương trở thành khu vực thương mại tự do mở cửa, tăng lòng tin vào cơ chế thương mại đa phương, thúc đẩy sự phục hồi kinh tế hậu COVID-19.

Hiệp định RCEP được ký kết (trưa 15/11) trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan, tổ chức theo hình thức trực tuyến do Việt Nam chủ trì.

Hiệp định RCEP được khởi động vào tháng 11/2012 tại Phnom Penh (Campuchia) theo sáng kiến của ASEAN nhằm khuyến khích thương mại giữa các nước thành viên và 6 quốc gia đối tác gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc - những quốc gia đều đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) độc lập với ASEAN. RCEP được đánh giá là FTA lớn nhất thế giới bởi bao trùm một thị trường khổng lồ có quy mô gần 25.000 tỷ USD và hơn 2,3 tỷ người.

Mục tiêu của RCEP là hài hòa các mạng lưới FTA “ASEAN+1” hiện có thành một hiệp định thống nhất, tạo ra một bộ quy tắc thương mại duy nhất và gắn kết cho khu vực.

Ấn Độ, một trong những thành viên sáng lập đầu tiên, đã tuyên bố rời khỏi RCEP từ năm 2019 do lo ngại hàng hóa giá rẻ từ bên ngoài sẽ tràn ngập thị trường nội địa, làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân bằng thương mại, cũng như lo ngại vấn đề bảo vệ các lĩnh vực nông nghiệp và sữa.

RCEP gồm hầu hết tất cả các nền kinh tế lớn của khu vực và được điều chỉnh theo nhu cầu phát triển riêng của các nước này. Đó là một lợi thế lớn của RCEP so với một hiệp định thương mại lớn khác của khu vực là CPTPP - không bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc hay toàn bộ các nền kinh tế thuộc ASEAN.

Thông qua việc cung cấp một bộ quy tắc tiêu chuẩn và minh bạch cho khu vực trên các lĩnh vực đa dạng như thực tiễn thương mại, đầu tư và sở hữu trí tuệ với các điều khoản cao hơn mức tối thiểu hiện hành của WTO, RCEP sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa, dịch vụ và đầu tư dễ dàng thông suốt, các công ty phát triển chuỗi giá trị khu vực dễ dàng hơn.

Sự đồng thuận trong việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan, cũng như những cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ sẽ tạo cơ hội để các nước thành viên tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, mở ra tiềm năng tiếp cận các thị trường mới, gắn kết vững chắc hơn trong một khu vực kinh tế năng động nhất thế giới, thay vì chỉ tập trung vào việc mở cửa thị trường song phương với các đối tác chủ chốt.

Tiến sĩ Chheang Vannarith- Chủ tịch Viện nghiên cứu Tầm nhìn châu Á (AVI) có trụ sở tại Phnom Penh - cho rằng thỏa thuận này có thể làm biến đổi toàn cảnh dòng thương mại và đầu tư tại châu Á-Thái Bình Dương, thúc đẩy các chuỗi cung ứng nội khối, tăng cường niềm tin trong giới kinh doanh, khiến khu vực hấp dẫn hơn cho các hoạt động đầu tư. Một khi được thực thi, hiệp định toàn diện và chất lượng cao như RCEP sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới, trong đó 15 thành viên của RCEP chiếm 47,4% dân số thế giới, đóng góp khoảng 1/3 Tổng sản phẩm (GDP) toàn cầu, 29,1% thương mại thế giới và 32,5% đầu tư toàn cầu. Ước tính, việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong khuôn khổ RCEP sẽ làm tăng GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương thêm 2,1% và GDP thế giới lên 1,4%.

Việc ký kết RCEP cũng một lần nữa khẳng định vai trò đi đầu của ASEAN trong việc ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, đóng góp vào tạo lập cấu trúc thương mại mới khu vực, thuận lợi hóa thương mại một cách bền vững và phát triển chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn do COVID-19, cũng như sự hỗ trợ quá trình hồi phục sau đại dịch.

Bên cạnh những cơ hội, RCEP cũng đối mặt với nhiều thách thức. Trong ngắn hạn, việc loại bỏ thuế quan theo hiệp định có thể sẽ làm suy yếu những ưu đãi thương mại hiện nay của ASEAN do RCEP sẽ chồng lấn với các FTA song phương của khối với các đối tác, giữa chính các thành viên trong khối với đối tác, gây ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế khiến một số nước gặp khó khăn trong việc cạnh tranh sau khi loại bỏ mọi rào cản và mở rộng cửa thông thương với khu vực. Sự xuất hiện ồ ạt của loạt sản phẩm nhập khẩu chất lượng cao và giá thành rẻ có nguy cơ khiến sản phẩm nội địa và nhiều ngành trong nước bị ảnh hưởng.

Do vậy, sự chuẩn bị kỹ càng, vạch ra chiến lược phát triển bài bản để đáp ứng nhu cầu và thị trường mới là yêu cầu đối với mọi thành viên RCEP. Đặc biệt, làn sóng dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm tại một số quốc gia, việc duy trì đóng cửa biên giới để khống chế dịch sẽ tiếp tục làm chuỗi nguồn cung và thông thương hàng hóa bị gián đoạn, có thể cản trở việc thực thi đầy đủ hiệp định RCEP.

Mặc dù vẫn có nhiều thách thức ở phía trước, song trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và tác động của dịch COVID-19, việc ký kết RCEP là một thông điệp gửi tới thế giới rằng các nước trong khu vực vẫn lạc quan và định hướng tương lai vào việc làm sâu sắc thêm và mở rộng hội nhập kinh tế khu vực nhằm đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đây sẽ là nền tảng để châu Á-Thái Bình Dương trở thành khu vực thương mại tự do mở cửa, tăng lòng tin vào cơ chế thương mại đa phương, thúc đẩy sự phục hồi kinh tế hậu COVID-19. 

THỐNG NHẤT (TTXVN)

.
.
.