Giá dầu thế giới tiếp tục đà giảm tháng thứ 2 liên tiếp

Chủ Nhật, 01/11/2020, 19:37 [GMT+7]
In bài này
.

Trong tuần cuối cùng của tháng 10/2020, giá dầu thế giới chứng kiến một tuần “ảm đạm” với bốn phiên đi xuống, giữa những lo ngại rằng sự gia tăng các ca lây nhiễm COVID-19 tại châu Âu, Mỹ tiếp tục “phủ mây đen” lên triển vọng nhu cầu.

Một cơ sở khai thác dầu trên biển Caspi.
Một cơ sở khai thác dầu trên biển Caspi.

Trong phiên đầu tuần (26/10), giá dầu giảm hơn 3% do các ca mắc COVID-19 tăng mạnh ở Mỹ và châu Âu, trong khi sản lượng dầu thô của Libya phục hồi làm thị trường thêm lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung.

Diễn biến phức tạp này của đại dịch COVID-19 khiến nhiều người quan ngại rằng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu sẽ suy giảm trong thời gian tới. Sau khi đi lên trong phiên giao dịch 27/10, giá dầu quay đầu giảm hơn 5% trong phiên giao dịch 28/10. Đáng chú ý, phiên này, dầu Brent giảm xuống 39,12 USD/thùng, mức thấp nhất trong 4 tháng qua. Andy Lipow, Giám đốc trung tâm Lipow Oil Associates, nhận định thống kê dự trữ dầu thô tại Mỹ gia tăng và các đợt giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 ở châu Âu đã gây sức ép lên thị trường dầu mỏ.

Giá dầu tiếp tục giảm gần 4% trong phiên 29/10, xuống mức thấp nhất trong 5 tháng do mối lo ngại về những tác động từ lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới có thể gây ra đối với nhu cầu “vàng đen”.

Trưởng bộ phận năng lượng tương lai của Mizuho tại New York, Bob Yawger, cho rằng các nhà đầu tư đang phản ứng với việc số ca lây nhiễm COVID-19 mới tăng cao đột biến. Ngoài ra, ông Yawger cho biết thêm thị trường còn chịu thêm áp lực về những lo ngại đối với nhu cầu năng lượng, trong bối cảnh gói kích thích kinh tế mới của Mỹ vẫn chưa được thực hiện.

Giá dầu kéo dài đà giảm trong phiên cuối tuần (30/10), với giá dầu Brent giảm 19 xu xuống 37,46 USD/thùng, còn giá dầu WTI giảm 38 xu xuống 35,79 USD/thùng.

Nước Mỹ ngày 30/10 ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc COVID-19, tăng 1 triệu ca chỉ sau 2 tuần và ngày 29/10 được ghi nhận là ngày có số ca tăng cao kỷ lục với 88.500 ca nhiễm mới. Tình hình đại dịch trở nên nghiêm trọng hơn ở hầu hết các bang trên nước Mỹ, nhất là ở những bang đã từng là “tâm dịch” mới cách đây vài tháng.

Tại châu Âu, Đức và Pháp đang chuẩn bị đóng cửa một số hoạt động kinh tế để khống chế dịch bệnh. Từ ngày 30/10, người dân Pháp không được phép tự do ra khỏi nhà. Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã quyết định phong tỏa một phần từ ngày 2/11, theo đó các địa điểm giải trí tập trung đông người như nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim,... tạm ngừng hoạt động.

Trưởng nhóm chiến lược gia thị trường toàn cầu Stephen Innes của Axi nhận định rằng các biện pháp giãn cách xã hội và phong tỏa bắt đầu gây lo ngại về nhu cầu năng lượng trên khắp châu Âu, qua đó triển vọng ngắn hạn đối với nhu cầu dầu thô bắt đầu xấu đi.

Trong khi đó, chuyên gia Bob Yawger, tại Mizuho nhận định có nhiều yếu tố gây bất lợi đối với thị trường khi vẫn chưa có vắcxin ngừa COVID-19, triển vọng về một gói kích thích kinh tế ảm đạm cũng như diễn biến trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, sẽ diễn ra vào đầu tháng 11/2020.

Tổng thư ký Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhận định sự phục hồi của thị trường dầu mỏ có thể mất nhiều thời gian hơn hy vọng do các đợt lây nhiễm COVID-19 gia tăng trên khắp thế giới.

Khép lại tháng 10, giá dầu ghi nhận tháng giảm thứ hai liên tiếp, với giá dầu Brent giảm 10% và dầu chuẩn chuẩn Tây Texas (WTI) giảm 11%.

TRÀ MY (Vietnam+)

 
;
.