Buôn lậu ma túy bằng máy bay nhân bản

Thứ Sáu, 20/11/2020, 17:14 [GMT+7]
In bài này
.

Khi đại dịch COVID-19 lan tràn đến Mỹ Latin, tất cả các quốc gia trong khu vực này đồng loạt đóng cửa biên giới cũng như thực hiện lệnh giãn cách xã hội, gây khó khăn cho việc vận chuyển buôn lậu ma túy. Những kẻ cầm đầu các băng nhóm mua bán ma túy đã sử dụng những chiếc máy bay nhân bản và đây cũng là lần đầu tiên hình thức này xuất hiện ở Colombia.

Chiếc Cessna 208 đã được nhân bản với số hiệu HK4669G.
Chiếc Cessna 208 đã được nhân bản với số hiệu HK4669G.

11 giờ ngày 22/9/2020, chiếc máy bay một động cơ cánh quạt hiệu Cessna 208 sau khi cất cánh từ sân bay Guaymaral, phía bắc thủ đô Bogota, Colombia, được khoảng 15 phút thì bị rơi do hỏng máy. Những người trên máy bay bỏ trốn trước khi cảnh sát xuất hiện.

Tiến hành kiểm tra, cảnh sát tìm thấy 400kg cocain dấu trong máy bay. Đây là chuyện chẳng có gì lạ bởi lẽ ngay từ những năm 1990, các băng nhóm ma túy ở một số quốc gia Mỹ Latin đã sử dụng máy bay, thuyền cao tốc và thậm chí là cả tàu ngầm để vận chuyển loại “hàng hóa” giết người này nhưng ở Colombia thì nó là lần đầu.

Tuy nhiên, khi tiến hành truy xuất nguồn gốc của chiếc Cessna 208, cảnh sát bất ngờ nhận thấy số đuôi HK4669G của chiếc Cessna 208 lại giống hệt số đuôi của một chiếc máy bay khác, cũng đăng ký ở Colombia, bị hải quan Honduras bắt ở sân bay La Mosquitia, Honduras vào tháng 11/2010 với 500kg cocaine trong khoang hành khách.

Theo quy ước của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới ICAO, mỗi máy bay dân dụng của từng quốc gia khi đăng ký sẽ được cấp một số hiệu riêng, không chiếc nào giống chiếc nào, dù đó là máy bay thương mại hay máy bay du lịch tư nhân. Vì thế, khi hai chiếc có cùng một số đuôi thì chắc chắn một chiếc là hàng nhái!

Thoạt đầu, cảnh sát Colombia suy đoán hai máy bay này chỉ là một nhưng các quan chức hàng không Honduras cho biết chiếc máy bay bị bắt năm 2010 là loại Piper Seneca hai động cơ, trong khi máy bay gặp nạn ở Bogota là chiếc Cessna 208 một động cơ. Sau khi bị Honduras bắt, chiếc Piper Seneca vẫn nằm ở một căn cứ không quân tại La Mosquitia, Honduras cho đến nay. Một nhân viên làm việc trong lĩnh vực hàng không Colombia xin dấu tên vì ông không được phép đề cập đến những vấn đề nhạy cảm, tiết lộ với trang tin Mỹ Latin ngày nay (Latin America Today) rằng, chiếc máy bay rơi ở Colombia và chiếc bị bắt ở Honduras là hai loại khác nhau nhưng có cùng một số đăng ký. Nhân viên này nói: “Họ đã sao chép số hiệu của chiếc Piper Seneca sang chiếc Cessna 208 bằng cách sơn vẽ lại”.

Khi trả lời câu hỏi vì sao đài kiểm soát không lưu ở sân bay Guaymaral không phát hiện sự trùng lặp ấy, nhân viên này nói: “Đối với máy bay du lịch tư nhân, không lưu chỉ kiểm soát số hiệu máy bay khi nó xin phép cất hoặc hạ cánh chứ không kiểm soát xem số hiệu đó có trùng với một máy bay khác hay không, ngoại trừ cả hai chiếc cùng xuất phát từ một sân bay nhưng trường hợp này hầu như không thể xảy ra. Lợi dụng điều đó, khi một máy bay của các băng nhóm ma túy bị rơi, bị bắt hoặc không còn có thể bay được vì lý do kỹ thuật, bọn chúng sẽ tìm mua một máy bay khác rồi sơn số hiệu của chiếc kia vào để tiếp tục hoạt động”.

Và không chỉ Colombia, các băng nhóm ma túy ở Bolivia và Paraguay cũng đã nhanh chóng áp dụng kỹ thuật “nhân bản”. Loại máy bay mà họ thường sử dụng là loại một động cơ vì nó dễ lái, dễ bảo trì, giá rẻ. Những chiếc này có thể chở được 700kg cocain, tầm hoạt động lên đến 1.000km, hay như loại Beechcraft hai động cơ, ở Bolivia đăng ký hợp pháp một chiếc còn ở Paraguay là một chiếc nhân bản. Cũng có băng nhóm sử dụng máy bay phản lực mà cụ thể là hồi tháng 7/2020, một chiếc Hawker 700 chở gần 1,5 tấn cocain đã hạ cánh xuống đường cao tốc ở bang Quintana Roo, miền nam Mexico trong một phi vụ giao hàng. Xui cho chúng là hai xe tuần tra cảnh sát xuất hiện vì họ nghĩ rằng máy bay gặp nạn. Những gì diễn ra sau đó y như phim hành động: Chiếc Hawker lập tức tăng tốc để cất cánh trong lúc 4 xe bán tải của nhóm nhận hàng cũng vừa lao đến. Để bắt chiếc Hawker này, một xe cảnh sát đã chặn ngay trước mũi máy bay ở khoảng cách chỉ chừng 800m. Sợ chết vì máy bay sẽ nổ tung nếu đâm vào xe cảnh sát, gã phi công bẻ lái cho chiếc Hawker trượt sang lề đường. Kết quả là phi công cùng một gã làm nhiệm vụ thả hàng sa lưới. Cuộc điều tra sau đó cho thấy số hiệu của chiếc Hawker ấy trùng với số hiệu của một chiếc Hawker khác, nhưng đăng ký ở Panama!

Ở Guatemala, một số băng nhóm còn thành lập những đường băng bí mật bằng đất, nằm trong những khu rừng nhiệt đới rậm rạp, hầu như không thể tiếp cận theo đường bộ. Lợi dụng các đầm lầy, kênh rạch trong khu rừng, các tàu cao tốc đến gần sân bay, bốc ma túy lên rồi len lỏi qua những con rạch, ra sông lớn. Nếu truy xét nguồn gốc,  máy bay được đăng ký hợp pháp ở Guatelama nhưng chiếc máy bay vận chuyển ma túy lại có xuất xứ từ Bolivia và dĩ nhiên là nó giống nhau về số hiệu.

Để phát hiện và ngăn chặn nạn “nhân bản”, cảnh sát các nước Trung, Nam Mỹ đã buộc tất cả mọi máy bay tư nhân phải mở hệ thống định vị ngay cả khi nó nằm trong bãi đỗ tại các sân bay và hệ thống định vị này được nối mạng với tất cả các đài kiểm soát không lưu ở Mỹ Latin. Với biện pháp ấy, họ nhanh chóng xác định một máy bay khi chuẩn bị cất, hạ cánh có phải là chiếc duy nhất, hay nó là bản sao của một chiếc khác, chưa kể hàng chục đặc vụ nằm vùng trong các băng nhóm ma túy, chỉ chuyên theo dõi việc vận chuyển cocain bằng đường hàng không…

VŨ CAO

(Theo Latin America Today) 

 
;
.