SĂN BẮT ĐỘNG VẬT HOANG DÃ Ở CHÂU MỸ LA TINH THỜI COVID-19

Kỳ 2: Cuộc chiến không có hồi kết thúc

Thứ Sáu, 09/10/2020, 17:08 [GMT+7]
In bài này
.

Ở Mỹ Latinh, Brazil, Peru, Mexico, Costa Rica là những quốc gia mà nạn săn bắt trộm thú hoang dã diễn ra rầm rộ nhất. Ngoài một số loài chim thì còn có rùa, bọ cánh cứng, nhện, bướm, cự đà, kỳ nhông và con lười… Bên cạnh đó, vài loại cá như cá đường, cá heo Vaquita ở vịnh Mexico cũng nằm trong danh sách săn trộm bởi lẽ 1 cái bong bóng cá đường đã sấy khô, nặng 1kg, khách sành ăn Trung Quốc có thể trả 80.000USD…

Một thùng chứa đầy rùa mai đốm bị phát hiện ở Costa Rica.
Một thùng chứa đầy rùa mai đốm bị phát hiện ở Costa Rica.

1. Là lục địa đa dạng sinh học nhất thế giới, nơi sinh sống của khoảng 40% các loài động thực vật trên hành tinh nên cũng dễ hiểu vì sao một số các quốc gia ở châu lục này trở thành trung tâm buôn bán động vật hoang dã, phần lớn được chuyển lậu đến Tây Ban Nha trước khi phân tán sang Mỹ, Canada, Hà Lan, Pháp, Bỉ, thậm chí đi xa hơn, đến Nhật Bản, Trung Quốc.

Đầu tháng 9, nhà chức trách Tây Ban Nha đã tịch thu hơn 600 loài bò sát có nguy cơ tuyệt chủng, được đưa đến từ một số nước Mỹ Latinh và từ châu Phi. Cuộc điều tra xuất phát tại Hà Lan, nơi cảnh sát Hà Lan bắt giữ 3 công dân Tây Ban Nha sau khi các quan chức hải quan phát hiện 250 loài bò sát buôn lậu từ Mexico, chứa trong va li hành lý của họ. Theo hải quan Hà Lan, chúng có giá 186.000USD trên thị trường chợ đen.

Tiếp tục điều tra, cảnh sát Hà Lan cho biết những cá thể động vật này là một phần của mạng lưới tội phạm rộng lớn, chuyên săn bắt động vật hoang dã, kéo dài từ Mexico đến Australia, New Zealand, Fiji, Oman và Nam Phi. Khi đã gom đủ số lượng, chúng chuyển sang châu Âu, Mỹ trong những thùng các tông ngụy trang dưới hình thức rau, củ quả. Van Haustens, nhân viên hải quan cảng Amsterdam, Hà Lan nói: “Bọn buôn lậu biết rằng với những mặt hàng rau củ tươi sống, chúng tôi chỉ kiểm tra vài thùng theo hình thức ngẫu nhiên bởi lẽ khi tháo niêm phong ra, sản phẩm rất dễ bị hư hỏng. Chỉ đến khi sử dụng chó nghiệp vụ, chúng tôi mới phát hiện vụ buôn lậu này”.

Vẫn theo Van Haustens, để vận chuyển trót lọt các loài động vật hoang dã, mạng lưới buôn lậu còn làm những bộ hồ sơ giả, trong đó cho phép xuất khẩu động vật hoang dã nhằm mục đích nhân giống hoặc nghiên cứu khoa học vì nhưng con vật bị bắt giữ đều nằm trong danh mục cần được bảo vệ theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

2. Ở Costa Rica, mặc dù việc săn bắt, buôn lậu động vật hoang dã chủ yếu là loài rùa nhưng các vụ bắt giữ gần đây đã cho thấy bướm, bọ cánh cứng, ong bắp cày và nhện cũng có thể bán được giá cao ngất ngưởng trên thị trường chợ đen quốc tế. Jessica Speart, tác giả của cuốn sách nói về buôn bán bướm cho biết khách hàng ở Mỹ, châu Âu, Trung Đông, Nhật, Hàn Quốc… sẵn sàng trả 60.000USD cho một con bướm đặc biệt quý hiếm, chẳng hạn như bướm mặt quỷ hay bướm cầu vồng. Đã vậy, Luật Bảo vệ động vật hoang dã của Costa Rica chỉ áp dụng hình phạt cao nhất là 1 đến 3 năm tù cùng số tiền phạt tối đa 1.000USD cho hành vi buôn bán sinh thái. Điều đáng nói là hình phạt này không phải là cá biệt so với các quốc gia trong khu vực.

Chính vì hình phạt nhẹ nhàng đó đã dẫn đến sự tàn phá số lượng các loài thú hoang trong lúc nền kinh tế của Costa Rica phần lớn phụ thuộc vào du lịch sinh thái. Sue Lieberman, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách quốc tế của Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (WCS) nói: “Nếu bạn không có động vật hoang dã để xem, khách du lịch sẽ không đến”. Bên cạnh đó, thật không may khi mà tham nhũng đã trở thành một trong những trở ngại lớn nhất chống lại nạn buôn bán bất chính này. Salvador Ortega, người đứng đầu Interpol về tội phạm rừng ở Mỹ Latinh khuyến cáo: “Các quan chức cần nghiêm túc thực hiện vai trò của họ trong việc chống buôn bán động vật hoang dã. Nếu không, họ sẽ trở thành một phần của chuỗi cung ứng tội phạm xuyên quốc gia”.

Vẫn theo Salvador Ortega, buôn bán động vật hoang dã là một trong những hoạt động tội phạm có lợi nhuận cao nhất thế giới. Các đường dây buôn lậu kiếm được từ 7 tỷ đến 23 tỷ USD hàng năm. Một báo cáo của Văn phòng LHQ về ma túy và tội phạm (UNODC) cho thấy việc buôn lậu các loài bò sát mặc dù không thường xuyên được các quốc gia chú ý, nhưng lại là thứ bị buôn bán nhiều thứ hai trên thế giới, chiếm 28% tổng số động vật bị bắt giữ từ năm 1999 đến nay.

Cuối cùng là những người săn bắt trộm. Thật khó để ngăn cản họ khi đại dịch COVID-19 đã tước đi mọi kế sinh nhai của họ. Và mặc dù chính phủ của các quốc gia Mỹ Latinh đã tung ra nhiều gói cứu trợ nhưng trong tương lai gần, nếu không thành công trong việc tái cấu trúc việc làm cho họ thì chuyện săn lùng các loài động vật hoang dã là chuyện ắt phải xảy ra như nó đã từng xảy ra…

VŨ CAO (Theo Latin America Today)

;
.