.

Những phát minh công nghệ thay đổi thế giới

Cập nhật: 17:08, 09/10/2020 (GMT+7)

Hệ nhị phân (hệ cơ số 2) là hệ đếm gồm chỉ 2 chữ số là 0 và 1. Nó được cho là phát minh vào năm 1701 bởi nhà bác học người Đức Gottfried Wilhelm Leibniz (1646-1716). Hệ nhị phân được áp dụng lần đầu trên chiếc máy tính ENIAC (Electronic Numerical Intergrator and Computer) vào năm 1946, trở thành nền tảng của hầu hết cấu trúc máy tính ngày nay.

iPhone ra đời năm 2007.
iPhone ra đời năm 2007.

Bóng bán dẫn (transistor) là thành phần chính trong chip xử lý - “bộ não” của nhiều sản phẩm công nghệ, điện tử mà chúng ta sử dụng mỗi ngày. William Shockley, John Bardeen và Walter Brattain là 3 người góp công phát minh ra bóng bán dẫn vào năm 1947. Hiện nay, bóng bán dẫn vẫn là ngành công nghiệp quan trọng khi những con chip bán dẫn có kích thước ngày càng nhỏ, mạnh mẽ và tiết kiệm năng lượng.

Máy tính cá nhân (PC) cũng là một trong những phát minh công nghệ quan trọng. Theo Popular Mechanics, chiếc máy tính đa năng đầu tiên là một cỗ máy khổng lồ tạo ra năm 1947 với cân nặng 30 tấn. Đến thập niên 1970, những chiếc máy tính cá nhân tiêu dùng mới thực sự ra đời với kích thước nhỏ gọn, phục vụ xử lý văn bản hay viết chương trình. Với sự bùng nổ của Internet, máy tính cá nhân đã trở thành công nghệ cách mạng của thế giới.

Kính viễn vọng Hubble.
Kính viễn vọng Hubble.

Camera kỹ thuật số được tạo ra vào năm 1975 bởi kỹ sư Steve Sasson của Kodak. Chiếc camera có kích thước bằng hộp bánh mì, mất 23 giây để chụp một bức ảnh đen trắng 0,01 MP, lưu vào băng cassette. Đến năm 1991, Kodak mới thương mại hóa camera kỹ thuật số bằng sản phẩm Digital Camera System, cảm biến 1,3 MP và giá bán 20.000 USD. Apple QuickTake chính là camera kỹ thuật số đầu tiên cho người dùng phổ thông với giá dưới 1.000 USD. Trước thời đại của smartphone, camera kỹ thuật số là phụ kiện quen thuộc giúp mọi người lưu giữ những khoảnh khắc quý giá.

Sự ra đời của Internet vào năm 1990 đã thay đổi cuộc sống mọi người khi mang đến nguồn thông tin gần như vô hạn trong mọi lĩnh vực. Làm thay đổi cách chúng ta giao tiếp khi cung cấp dịch vụ nhắn tin, gọi điện từ khắp nơi trên thế giới.

Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) ban đầu được phát triển để sử dụng trong Quân đội Mỹ trước khi trở thành công nghệ thương mại trên toàn thế giới. Những thiết bị GPS đầu tiên cho người dùng đã xuất hiện từ đầu thập niên 1990, chủ yếu dùng để điều hướng trong ôtô. Vào những năm 2000, sự phổ biến của thiết bị di động, các dịch vụ điều hướng như Google Maps đã giúp GPS trở thành công nghệ quen thuộc với mọi người.

Kính viễn vọng Hubble được NASA phóng lên không gian bằng tàu con thoi Discovery vào ngày 24/4/1990. Đây được xem là bước tiến quan trọng của lĩnh vực thiên văn học khi Hubble giúp nhân loại quan sát vũ trụ bao la một cách chi tiết và rõ nét hơn. Năm 2003, kính viễn vọng này đã mang về hình ảnh rõ nét của Hỏa tinh, vòng tròn khổng lồ quanh Mộc tinh năm 2004 hay thiên hà Andromeda - “hàng xóm” gần nhất của dải Ngân hà cùng hàng loạt hình ảnh ấn tượng.

Tin nhắn văn bản (SMS) đầu tiên được gửi vào ngày 3/12/1992, là khởi đầu cho một hình thức giao tiếp mới. Cùng với điện thoại di động, SMS đã trở thành công cụ liên lạc phổ biến nhờ giá rẻ và nhanh chóng. Những chiếc điện thoại với bộ nhớ thấp, phải xóa tin nhắn cũ để nhận tin mới cũng là một phần trong ký ức của nhiều người.

Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) là nỗ lực chung của 5 cơ quan vũ trụ đến từ Mỹ, Nga, Nhật Bản, Canada và châu Âu. Được khởi công từ năm 1998. ISS đón chào con người đầu tiên vào năm 2000. Trong 20 năm qua, hơn 200 người từ 18 quốc gia đã đặt chân lên ISS.

Ra đời năm 2007, iPhone là một trong những thiết bị công nghệ ảnh hưởng nhất thế giới. Ngành điện thoại đã thay đổi hoàn toàn không chỉ bởi thiết kế mà còn là hệ điều hành, những công cụ mà iPhone mang lại. Những chiếc smartphone ra đời sau đó với thiết kế dựa trên iPhone đã trở thành công cụ giúp mọi người tiếp cận với Internet mọi lúc mọi nơi, chụp ảnh với camera ngày càng được cải tiến. Những trò chơi đầu tiên trên iPhone đã mở đường cho ngành công nghiệp game di động trị giá hàng tỷ USD.

XUÂN NGUYỄN (TH)

.
.
.