Lĩnh vực bán lẻ châu Âu chật vật vượt qua đại dịch COVID-19

Thứ Hai, 05/10/2020, 19:29 [GMT+7]
In bài này
.

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings đánh giá, sự bùng phát trở lại các ca nhiễm mới COVID-19 với tốc độ lây nhiễm ở châu Âu cao nhất thế giới hiện là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế đang phục hồi của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Viện Nghiên cứu việc làm (IES) cảnh báo đại dịch COVID-19 tiềm ẩn nguy cơ “xóa sổ” hàng triệu việc làm.

Một cửa hàng bán lẻ tại Paris, Pháp. (Nguồn: AFP)
Một cửa hàng bán lẻ tại Paris, Pháp. (Nguồn: AFP)

Kể từ đầu quý 3/2020, hoạt động trong tất cả các danh mục ngành bán lẻ đã dần bình thường hóa khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng, mặc dù tốc độ phục hồi khác nhau. Tháng 7/2020, tổng doanh số bán lẻ của châu Âu chỉ giảm 0,8% so với tháng 6/2020. Tổng khối lượng bán hàng hiện bằng 98,8% khối lượng đạt được vào tháng 2/2020 trước khi bùng nổ khủng hoảng COVID-19.

Tuy nhiên, nguy cơ làn sóng COVID-19 thứ hai đang tới gần và một lần nữa có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho thị trường việc làm và nền kinh tế khu vực này. IMF ngày 24/9 đã cảnh báo triển vọng phục hồi sau dịch bệnh rất bất trắc vì không thể dự báo hướng phát triển của đại dịch. Hoạt động kinh doanh trên toàn cầu bị đình trệ khiến hàng trăm triệu việc làm biến mất và các nền kinh tế lớn ở châu Âu đối mặt với suy thoái ở mức hai con số.

EU đã đưa ra báo động rằng đại dịch đang trở nên tồi tệ hơn so với mức đỉnh tháng 3/2020 ở một số quốc gia thành viên, báo hiệu châu Âu sẽ phải đối mặt với một “mùa Đông đại dịch COVID-19” hết sức khắc nghiệt. Theo WHO, số ca mắc mới hằng tuần tại châu Âu bắt đầu xu hướng tăng từ giữa tháng 7, đang phủ bóng đen lên triển vọng phục hồi kinh tế khu vực.

Trong dự báo được 3 viện nghiên cứu ở Đức, Thụy Sỹ và Italy đưa ra ngày 29/9, tăng trưởng kinh tế Eurozone được cho là sẽ bị chững lại trong quý 4/2020, sau khi phục hồi mạnh trong quý 3/2020. Hoạt động kinh tế của Eurozone đã đình trệ trong tháng 9/2020 do sự bùng phát trở lại của virus SARS-CoV-2.

Theo công ty IHS Markit, Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) trong tháng 9/2020 giảm xuống còn 50,1 điểm, từ mức 51,9 điểm trong tháng 8. IHS Markit cho biết Đức - nền kinh tế lớn nhất Eurozone, tiếp tục dẫn đầu đà phục hồi, dù với tốc độ chậm hơn trước đó. Các nước Pháp, Tây Ban Nha và Italy, cũng suy giảm nhanh hơn, chưa kể việc cắt giảm nhân sự đang diễn ra trên khắp châu lục.

Theo số liệu chính thức của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), tỷ lệ thất nghiệp tại 19 quốc gia thuộc Eurozone đã tăng lên 8,1% trong tháng 8/2020, từ mức tương ứng 7,9% của tháng 7/2020. Như vậy, tính riêng trong tháng 8 vừa qua, Eurozone có khoảng 13,2 triệu người thất nghiệp và số người mất việc làm tăng 251.000 người.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa cảnh báo châu Âu nói chung và Eurozone nói riêng đang đứng trước nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng việc làm mới, khi số lao động thất nghiệp tại khu vực này có thể lên đến 22 triệu người trong 4 năm tới, thêm 4,4 triệu người thất nghiệp so với con số 17,4 triệu hiện nay.

Các chuyên gia của ILO cũng cảnh báo, tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ, có thể lên tới 22% số người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp tại một số nước Eurozone, hoặc 30% tại Italy, Bồ Đào Nha, Slovakia, và thậm chí còn lên tới 50% tại Tây Ban Nha và Hy Lạp. Ngay cả thị trường lao động ở các nền kinh tế mạnh hơn trong Eurozone như Đức, Bỉ, Áo, Luxembourg… cũng có thể lâm vào suy thoái.

TỐ UYÊN (TTXVN)

 
;
.