Ngày 30/9, trong cuộc điện đàm riêng rẽ với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel đã đề cập tình hình leo thang căng thẳng ở khu vực Nagorny-Karabakh và kêu gọi hai bên ngừng bắn ngay lập tức.
Lực lượng Armenia nã pháo về phía các vị trí của quân đội Azerbaijan trong cuộc xung đột tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh ngày 28/9/2020. |
Trên trang Twitter cá nhân, Chủ tịch Michel thông báo trong các cuộc điện đàm nói trên, ông đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về chiến sự leo thang quy mô lớn ở Nagorny-Karabakh, lên án việc các bên sử dụng vũ lực và kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức.
Chủ tịch EC nhấn mạnh rằng dân thường phải được bảo vệ và tuyên bố ủng hộ Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) giữ vai trò trung gian hòa giải. Theo kế hoạch, tình hình căng thẳng ở Nagorny-Karabakh sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ở Brussels trong 2 ngày 1 và 2/10.
Tương tự, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Ngoại trưởng nước này Sergei Lavrov và Đại diện Cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell đã điện đàm, nhấn mạnh sự cần thiết của một lệnh ngừng bắn lập tức và hoàn toàn ở khu vực xung đột Nagorny-Karabakh.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ hai quan chức đã trao đổi về tình hình tại Nagorny-Karabakh, nhấn mạnh cần sớm có một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và hoàn toàn, thể hiện sự kiềm chế tối đa của các bên xung đột và các quốc gia khác. Ngoài ra, hai quan chức bày tỏ ủng hộ tuyên bố đặc biệt của các đồng chủ tịch Nhóm Minks trong OSCE ra ngày 27/9, kêu gọi các bên xung đột ngừng tiếp tục leo thang. Bộ trên cũng ra tuyên bố cho biết các tay súng Syria và Libya là thành viên các nhóm vũ trang bất hợp pháp đang tới khu vực Nagorny-Karabakh.
Bày tỏ quan ngại về những động thái mới này, Moskva kêu gọi các quốc gia liên quan tránh sử dụng “lính đánh thuê và các phần tử khủng bố nước ngoài” trong cuộc xung đột.
Cùng ngày, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia nhằm thảo luận về những hành động tiếp theo của các lực lượng vũ trang nước này trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Nagorny-Karabakh.
Giao tranh dữ dội giữa các lực lượng Armenia và Azerbaijan bùng phát ngày 27/9 liên quan đến khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh tiếp tục bước sang ngày thứ 4, trong đó cả hai bên cáo buộc nhau sử dụng pháo hạng nặng.
Hàng chục người được cho là đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong đợt xung đột này.
Nagorny-Karabakh là khu vực nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa Azerbaijan và Armenia mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.
KIM TRINH (TTXVN)