Các khảo sát về sau, nơi giàn khoan Ocean Ranger chìm đã chứng minh rằng ít nhất một thuyền cứu sinh đã được hạ thủy với khoảng 36 người. Các nhân chứng trên tàu M/V Seaforth Highlander nói họ đã nhìn thấy ít nhất 20 thành viên xuống biển cùng một lúc trên một thuyền cứu sinh nhưng do sóng quá lớn, họ không thể đến gần những người này. Mất khoảng nửa tiếng, khi tàu Highlander còn cách thuyền cứu sinh khoảng 30m, những người trên tàu ném xuống một cuộn dây và 2 người trên thuyền túm được sợi dây. Thế nhưng ngay lúc ấy, một con sóng lớn ập đến, chiếc thuyền cứu sinh lật úp. Khi sóng tan, tàu Highlander không nhìn thấy một người nào. Tất cả chết vì hạ thân nhiệt hoặc chết đuối, riêng Ocean Ranger còn nổi được khoảng 70 phút trước khi vĩnh viễn chìm xuống đáy biển lúc 3 giờ 10.
Một góa phụ chỉ cho con trai thấy tên cha nó trên bức tường tưởng niệm thảm họa. |
Sáng hôm sau - ngày 16/2, khi bão đã tan, tất cả những gì còn lại của Ocean Ranger chỉ là vài chiếc áo phao cùng một thuyền cứu sinh lật úp. 1 tuần sau đó, lần lượt 22 thi thể được vớt lên. Những người còn lại không bao giờ được tìm thấy. Cũng trong ngày này, một tàu container của Liên Xô là chiếc Mekhanik Tarasov cũng gặp nạn bởi cơn bão, cách giàn khoan Ocean Ranger 120km về phía đông. Bị sóng gió vùi dập trong nhiều tiếng đồng hồ, Mekhanik Tarasov chìm xuống đấy biển, mang theo 32 sinh mạng trong tổng số 37 thành viên thủy thủ đoàn. Lloyd Major, phụ trách radio y tế trên giàn khoan Ocean Ranger, người đã rời giàn 4 ngày trước khi thảm họa xảy ra, nói: “Mỗi phiên làm việc của tôi kéo dài 3 tuần. Khi lên trực thăng trở về đất liền, tôi không nghĩ nó chìm chỉ vì một cơn bão bởi lẽ trước đó, Ocean Ranger đã từng chịu 6 cơn bão cường độ mạnh. Lúc truyền hình đưa hình ảnh nhiều thi thể được trục vớt, tôi đã khóc…”.
6 tuần tiếp theo, bằng phương pháp siêu âm định vị, các đội cứu hộ của hải quân Mỹ và hải quân Canada mô tả “giàn khoan Ocean Ranger nằm ở độ sâu 90m nhưng các trụ thép đỡ ống khoan chỉ cách mặt nước 30m. Nó lật úp, quay ngược đầu về phía giếng khoan, cách giếng khoan 148m về phía đông nam, bao quanh bởi những mảnh vỡ lớn”. Các cuộc khảo sát tiếp theo bằng tàu ngầm điều khiển từ xa cũng cho thấy Ocean Ranger bị hư hỏng nặng nề nhưng không phát hiện một tử thi nào trong phòng ngủ của các thành viên cũng như trong phòng điều khiển, phòng ăn, nhà bếp hoặc phòng chiếu phim. Các nhà điều tra cho rằng họ đã bị cá mập trắng ăn thịt.
NGUYÊN NHÂN THẢM HỌA
Sau thảm họa Ocean Ranger, Ủy ban điều tra Canada đã dành hai năm để xem xét nguyên nhân dẫn đến sự cố. Bản kết luận cho thấy các thành viên trên giàn khoan đã không được đào tạo để xử lý kịp thời các bất trắc do thời tiết gây nên, trang thiết bị không đầy đủ, nhất là quần áo chống thấm nước trong điều kiện nhiệt độ nước biển ở vùng này trung bình là 160C, không có quy trình cho các tàu hỗ trợ tiếp cận giàn để cứu hộ. Bên cạnh đó, các trực thăng đều đã trên 20 năm tuổi, không an toàn khi bay biển và nhất là căn cứ trực thăng được đặt tại Gander, khoảng cách quá xa để trực thăng có thể bay đến giàn khoan Ocean Ranger, tìm kiếm cứu nạn rồi bay về mà không cần phải tiếp thêm nhiên liệu. Bản báo cáo còn đặc biệt nêu lên những sai sót trong thiết kế, thi công, đặc biệt là phòng điều khiển các khoang dằn bởi lẽ đèn chiếu ở cửa sổ và cửa nóc bị sóng đánh vỡ đã khiến nước biển xâm nhập vào phòng điều khiển chấn lưu, dẫn đến hệ thống điều khiển khoang dằn tự mở do đoản mạch. Điều này đã khiến Ocean Ranger mất cân bằng và lật chỉ bởi một con sóng lớn.
Về phía giàn khoan Ocean Ranger, tháng 6/1983, vì khung thép đỡ ống khoan nằm ở độ sâu 30m dưới mặt nước, gây nguy hiểm cho tàu bè khi đi ngang qua, Công ty Wijsmuller Salvage của Hà Lan đã được thuê mướn để kéo nó đến vùng nước sâu hơn. Tuy nhiên, trong quá trình thao tác, ngày 20/6 hai thợ lặn thiệt mạng do một vụ nổ dưới nước khi tiến hành cắt những khung thép của xác giàn khoan có thể cản trở việc di dời. Chưa hết, ngày 26/2 lại có thêm một thợ lặn thiệt mạng khi một khối thép trên giàn khoan rơi trúng anh ta vào lúc anh ta chuẩn bị trồi lên mặt nước.
Gần như không có một hình ảnh nào chụp giàn khoan Ocean Ranger ngay và trong khi xảy ra thảm họa bởi lẽ nguyên tắc bảo mật trong lĩnh vực khoan thăm dò dầu khí ở Newfounland cấm tất cả mọi thành viên mang máy ảnh lên giàn. Lloyd Major nói: “Blackmore là trợ lý của tôi. Anh ấy chết đuối và cũng là thi thể đầu tiên được tìm thấy. Tôi chỉ có một bức ảnh duy nhất chụp Blackmore và Warren Haverty - cũng là thợ giàn khoan và cũng đã chết - lúc còn ở trên bờ. Đó là một hoài niệm”.
Về phía thân nhân của những người tử nạn, sau gần 2 năm tranh tụng, Công ty Dầu khí Mobil Oil of Canada và Công ty Ocean Drilling and Exploration Company đã đồng ý bồi thường 444.000 USD cho mỗi gia đình có người chết nhưng còn độc thân. Riêng với 30 góa phụ, mỗi người trong số họ nhận được 800.000 USD. Cũng cuối năm 1984, Mobil Oil of Canada nộp đơn kiện tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries ở Hiroshima, Nhật Bản, là nơi đã đóng giàn khoan Ocean Ranger với số tiền bồi thường lên đến 250 triệu USD vì đã “không tuân thủ các quy định bắt buộc về mặt thiết kế, thi công giàn khoan dầu hoạt động ngoài biển…”.
VŨ CAO (Theo History –Ocean Ranger Disaster)