Sau 99 năm, kiện đòi bồi thường vụ thảm sát Tulsa

Thứ Sáu, 25/09/2020, 21:50 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 1/9/2020, một số nạn nhân còn sống và hậu duệ của những người đã chết trong vụ thảm sát xảy ra năm 1921 tại TP.Greenwood, quận Tulsa, bang Oklahoma, Mỹ, nộp đơn khởi kiện lên Tòa án tối cao Liên bang Mỹ để đòi bồi thường. Trong vụ thảm sát này, 300 người da đen đã chết, 10.000 người khác mất nhà cửa…

Phố Wall Đen chỉ sau 3 ngày đã trở thành bình địa.
Phố Wall Đen chỉ sau 3 ngày đã trở thành bình địa.

99 năm trước, quận Greenwood là nơi sinh sống của gần 11.000 dân da đen. Với nhà thờ, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, công viên, trường học, chợ, cùng các cơ sở kinh doanh, khu vực này thịnh vượng đến mức nó được gọi là “Phố Wall Đen” để so sánh với Phố Wall (Wall Street, New York), trụ cột của nền kinh tế nước Mỹ.

Thế nhưng, chỉ từ ngày 30/5 đến ngày 2/6/1921, Greenwood bị xóa sổ hoàn toàn. Sự việc bắt đầu khi Dick Rowland, một thanh niên da đen 19 tuổi làm nghề đóng giày bị buộc tội hành hung cô Sarah Page, da trắng. Ngay lập tức, được sự hỗ trợ của chính quyền bang Oklahoma, hàng trăm người da trắng vũ trang đã tràn vào Greenwood, tàn sát cư dân da đen, phá hủy 40 khối nhà. Khi bạo động chấm dứt vào ngày 2/6, đã có 300 người da đen bị giết, 10.000 người khác mất nhà nhưng không hề có một người da trắng nào bị truy tố.

Năm 2001, một số nạn nhân còn sống và hậu duệ của những người đã chết trong vụ thảm sát Tulsa nộp đơn khởi kiện nhưng đến năm 2005, Tòa án Tối cao Mỹ bác bỏ đơn kiện này. Nguyên đơn chính của vụ kiện là bà Lessie Benningfield Randle, 105 tuổi, hồi tưởng về nỗi kinh hoàng đã xảy ra: “Xác người chất thành đống trên đường phố. Chính mắt tôi nhìn thấy Don M. Adams, cháu trai của bác sĩ phẫu thuật da đen AC Jackson bị bắn vào bụng và chảy máu suốt 5 tiếng đồng hồ trước khi chết…”.

Năm 2015, Buck Colbert Franklin, luật sư da đen ở Oklahoma sau một thời gian thu thập hồ sơ, tài liệu, đã công bố những chứng cứ của vụ thảm sát, hiện được lưu giữ trong bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử và Văn hóa người Mỹ gốc Phi Smithsonian, cho thấy người da trắng bắn người da đen trên đường phố, đốt phá nhà cửa và cơ sở kinh doanh. Cũng những người này phá hỏng hệ thống điện thoại, điện báo, đóng cửa đường xe lửa, đường xa lộ liên bang và ngăn không cho Hội Chữ thập đỏ tiếp cận hiện trường.

Ngày 1/9/2020, các nạn nhân và con cháu họ lại tiếp tục gửi đơn kiện lên Tòa án quận Tulsa, yêu cầu bồi thường cho những tổn hại mà cư dân da đen phải chịu đựng từ năm 1921 đến nay. Vụ kiện liệt kê 7 bị cáo, bao gồm cảnh sát trưởng quận Tulsa, Lực lượng Vệ binh Quốc gia bang Oklahoma và Phòng Thương mại Tulsa.

Theo hồ sơ vụ kiện, các quan chức quận Tulsa - bao gồm cả cảnh sát - đã tiếp tay cho người da trắng tấn công người da đen ở Greenwood bằng cách trang bị vũ khí cho 500 đàn ông da trắng. Những kẻ này đã cướp phá, đốt nhà và sát hại bất cứ người da đen nào họ gặp trên đường phố. Mặc dù Lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được huy động để đối phó với bạo lực nhưng nhiều nhân chứng cho biết phản ứng của vệ binh rất chậm chạp, thậm chí họ còn tập trung bảo vệ các khu dân cư da trắng trước một cuộc “phản công không có thật của người da đen”. Bên cạnh đó, cũng không thiếu những vệ binh bắn vào người da đen thay vì trợ giúp họ. Damario Solomon Simmons, một trong những luật sư chính của bên bị hại cho biết: “Vụ thảm sát là một trong những hành động khủng bố chủng tộc man rợ nhất lịch sử nước Mỹ. Các quan chức và lãnh đạo các doanh nghiệp không những đã không sửa chữa các tổn thương do họ gây nên, mà còn có hành vi đào sâu sự thù hận giữa người da trắng và người da đen, dẫn đến bất bình đẳng kéo dài suốt gần 1 thập kỷ”.

Vẫn theo đơn kiện, số người da đen bị giết đã không được báo cáo trung thực vào thời điểm xảy ra vụ thảm sát mà ngược lại, chính quyền chỉ tập trung vào những hành vi phản kháng của người da đen khi họ bị dồn đến đường cùng. Chưa kể sau cuộc tấn công, Vệ binh quốc gia đã bắt giữ hàng ngàn người da đen rồi đẩy họ vào trại tập trung trong nhiều tháng với những điều kiện sống rất tồi tệ. Một tường trình của Tổ chức theo dõi nhân quyền Mỹ công bố vào đầu năm nay cho thấy: “Các quan chức chính phủ cam kết sẽ dùng công quỹ để giúp Greenwood xây dựng lại nhưng thực tế thì họ tìm mọi cách để cản trở, thậm chí họ còn từ chối đề nghị hỗ trợ y tế và tái thiết Tulsa”.

Cũng sau 99 năm, hậu duệ người da đen ở Tulsa đã thành lập một ủy ban để tìm kiếm những ngôi mộ bị chôn cất lấp liếm sau vụ thảm sát, nằm đâu đó trong thành phố nhưng vẫn chưa phát hiện được gì. Đơn kiện ngày 1/9 lập luận rằng vụ thảm sát “tạo ra hậu quả kéo dài cho đến ngày nay, dẫn đến sự mất giá bất động sản ở Greenwood và sự chênh lệch chủng tộc trong mọi chỉ số chất lượng cuộc sống, bao gồm tuổi thọ, sức khỏe, tỷ lệ thất nghiệp, trình độ học vấn và an ninh tài chính”.

Hiện tại, tòa án quận Tulsa đã thụ lý đơn kiện còn kết quả thế nào thì chưa ai đoán trước được.

VŨ CAO (Theo History - Tulsa Massacre)

;
.