Kinh tế Nhật Bản sẽ phục hồi theo hình chữ U hay W?
Sau khi chứng kiến sự sụt giảm mạnh GDP thực tế của Nhật Bản trong quý 2/2020, đa số các chuyên gia phân tích nhận định đà suy giảm tăng trưởng có thể đã chạm “đáy” và nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới sẽ phục hồi trong các quý tới. Tuy nhiên, do COVID-19 tái bùng phát ở nước này từ đầu tháng 7, khả năng kinh tế Nhật Bản hồi phục theo hình chữ V gần như không thể xảy ra. Câu hỏi đặt ra là nền kinh tế này sẽ hồi phục theo hình chữ U hay W?
Container hàng hóa được bốc dỡ tại cảng quốc tế Tokyo, Nhật Bản, ngày 17/8. |
Mặc dù đa số các chuyên gia đều dự báo GDP của Nhật Bản sẽ tăng trở lại trong quý 3/2020, với mức tăng trưởng có thể lên tới 10% so với quý trước đó, nhưng họ đều nhất trí cho rằng đà phục hồi sẽ chậm lại trong quý 4/2020 và sau đó. Thậm chí, một số người còn cho rằng sự phục hồi này chỉ là tạm thời. Vì vậy, khả năng kinh tế Nhật Bản sẽ hồi phục theo hình chữ V hầu như không thể xảy ra bất chấp các gói kích thích kinh tế “khủng” có tổng trị giá lên tới 233.900 tỷ yen và hàng loạt các biện pháp quyết liệt, trong đó có chương trình kích cầu du lịch nội địa “Go to Travel” mà chính quyền của Thủ tướng Abe đã thực hiện để vực dậy nền kinh tế.
Tại thời điểm hiện nay, giới phân tích đang nghiêng về khả năng kinh tế Nhật Bản sẽ phục hồi theo hình chữ U. Trong kịch bản này, GDP thực tế có thể sẽ chỉ quay lại mức trước khi đại dịch bùng phát sớm nhất là vào tài khóa 2022 (bắt đầu từ quý 2/2022). Nguyên nhân là do Nhật Bản đang rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong thời hậu chiến. Các biện pháp mà Chính phủ Nhật Bản đã triển khai để khống chế dịch bệnh đang tác động tiêu cực lên nhiều ngành và lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, trong đó hàng không và du lịch là 2 ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Công ty Chứng khoán SMBC Nikko dự báo GDP của Nhật Bản sẽ phục hồi nhanh và tăng trưởng với mức 15,3% trong quý 3/2020, nhưng đà phục hồi sẽ chậm lại còn 9,7% trong quý 4/2020, chủ yếu do dịch bệnh tái bùng phát trở lại. GDP thực tế sẽ chỉ phục hồi lên mức trước khi đại dịch bùng phát vào năm 2023.
Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Mitsubishi UFJ (MURC) lại có cái nhìn lạc quan hơn khi dự báo nền kinh tế này có thể đạt quy mô trước đại dịch vào tài khóa 2022. MURC cho rằng do “tác động của Thế vận hội Olympic Tokyo (dự kiến sẽ diễn ra trong năm tới) và sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, đà phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản sẽ vẫn tiếp tục”.
Tuy nhiên, không thể loại trừ kịch bản xấu hơn là nền kinh tế Nhật Bản sẽ hồi phục theo hình chữ W. Điều này có nghĩa GDP sẽ lại sụt giảm sau một vài quý phục hồi và chỉ quay lại quỹ đạo tăng trưởng trong một thời gian nhất định. Kịch bản hình chữ W xảy ra khi bất chấp việc Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ nhiều biện pháp hạn chế nhưng hoạt động sản xuất-kinh doanh của nhiều DN vẫn tiếp tục xấu đi, dẫn tới tình trạng phá sản trên diện rộng và tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh do tác động của dịch COVID-19.
Ngoài ra, giới phân tích cũng không loại trừ khả năng Nhật Bản sẽ phải đối mặt với kịch bản chữ L. Mô hình chữ L xuất hiện khi nền kinh tế này hầu như không thể bật dậy và gần như đi ngang sau khi phục hồi trong quý 3 và 4/2020. Tuy nhiên, viễn cảnh tồi tệ này sẽ chỉ xảy ra nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến nghiêm trọng trên toàn cầu.
Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng sau khi Thủ tướng Abe từ chức do nền kinh tế nước này vẫn đang gặp nhiều khó khăn vì dịch COVID-19.
ĐÀO TÙNG (Vietnam+)