Chỉ còn vài tuần nữa là đến cuộc bầu cử Mỹ và Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đang giành lại ưu thế và thu hẹp khoảng cách trước đối thủ Joe Biden. Sự trỗi dậy của ông Trump được cho là xuất phát từ hai xu hướng cốt lõi.
Tổng thống Donald Trump đang lấy lại ưu thế trên đường đua với đối thủ Joe Biden. Ảnh: Guardian |
Xu hướng thứ nhất, chiến lược của ông Trump trong những tuần gần đây đã chuyển hướng trở lại nền kinh tế, nơi ông có thể thể hiện năng lực vượt trội giúp khôi phục lại việc làm và tốc độ tăng trưởng như đã làm được trong phần lớn nhiệm kỳ đầu tiên.
Sự thừa nhận của đa số cử tri Mỹ về năng lực điều hành nền kinh tế của Tổng thống Trump đã tăng trở lại, một dấu hiệu cho thấy chiến dịch tranh cử của ông đã thành công trong việc nhấn mạnh hồ sơ kinh doanh của tổng thống đến các cử tri Mỹ đang rầu lòng vì khó khăn kinh tế do đại dịch COVID-19. Một cuộc thăm dò gần đây do Fox News công bố cho thấy, ông Trump được tin cậy hơn so với ông Biden về kinh tế với cách biệt 8 điểm. Còn trước đó, hồi đầu tháng 9, hai ứng cử viên được đánh giá đồng đều về vấn đề kinh tế.
Rõ ràng một triển vọng tài chính vững chắc hơn sẽ hỗ trợ ông Trump. Thị trường chứng khoán đang trên đà phục hồi, nền kinh tế đã có thêm hơn 1 triệu việc làm vào tháng 8 và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới 10%. Các quan chức FED cũng dự đoán về ảnh hưởng ít hơn do đại dịch so với dự báo trước đây, với tổng sản lượng nội địa ước tính giảm không đầy 4%, thay vì dự báo trước là giảm trên 6%. Khác biệt với hai mức dự đoán này là trên 1 ngàn tỉ USD trong nền kinh tế.
Hơn nữa, theo Fox News, trong một động thái có thể định hình lại cuộc đua, chiến dịch của ông Trump đang thúc đẩy hợp đồng quảng cáo trị giá 10 triệu USD trên khắp các bang dao động quan trọng như Arizona, Florida, Wisconsin, Pennsylvania và North Carolina. Nội dung quảng cáo sẽ có sự thay đổi so với thông điệp thời gian qua là “Luật pháp và trật tự” để quay trở lại với vấn đề kinh tế, kèm theo những lời chứng thực từ các cử tri về lý do họ tin tưởng ông Trump hơn Joe Biden về việc làm và tăng trưởng.
Thực tế cho thấy cuộc bầu cử có thể được quyết định bởi ứng cử viên nào mà cử tri tin là phù hợp nhất để dẫn dắt công cuộc phục hồi của đất nước sau đại dịch. Mặc dù ông Trump bị đối thủ Biden dẫn trước về tổng thể ngay lúc này, nhưng nhà lãnh đạo Mỹ vẫn nắm cơ hội bật lên trước với một câu chuyện mạnh mẽ về kinh tế.
Ông Biden cũng đã chuyển sang vấn đề kinh tế, nhưng việc tập trung vào chủ nghĩa dân túy và các cuộc tấn công vào tầng lớp giàu có được cho là khó có khả năng hiệu quả với ông, vì chiến lược này có xu hướng là không hiệu quả lắm với các cử tri thuộc tầng lớp lao động.
Ở xu hướng thứ hai, ông Biden đang gặp khó khăn trong việc củng cố cơ sở của đảng Dân chủ, đặc biệt là các cử tri gốc Latinh. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, các cử tri gốc Latinh được dự đoán sẽ là khối thiểu số lớn nhất ở Mỹ trong cuộc bầu cử năm nay. Hơn nữa, tại bang dao động then chốt là Florida, người gốc Latinh chiếm tới 20% cử tri. Ông Biden đã có cách tiếp cận không rõ ràng để thuyết phục nhóm cử tri này. Điều đó đã gây khó khăn cho ông ở các bang dao động có đông người gốc Latinh, như Florida hay Arizona và Nevada.
Trong khi ông Biden mất chỗ dựa ở cử tri gốc Latinh, thì Tổng thống Trump lại đang ghi điểm. Một cuộc thăm dò gần đây của Equis Research tại bang Arizona cho thấy sự ủng hộ dành cho Tổng thống đương nhiệm trong cộng đồng cử tri gốc Latinh đã tăng 8 điểm so với năm ngoái. Một nguyên nhân có thể là do chiến dịch của ông đã đầu tư rất nhiều để nhắm tới nhóm cử tri này, đặc biệt là tại bang Florida, nơi ông đang thu hút được nhiều cử tri Mỹ gốc Cuba.
Lúc này, ông Biden vẫn dẫn trước về tỉ lệ ủng hộ trong cộng đồng cử tri gốc Latinh tại bang Arizona và Nevada với cách biệt hai con số. Tuy nhiên để thắng, ông Trump sẽ không cần phải giành đa số cử tri gốc Latinh, mà chỉ cần tăng tỉ lệ ủng hộ của mình trong nhóm cử tri này ở một số ít các bang dao động quan trọng – điều mà ông đang thực hiện bằng một số biện pháp.
Ngoài ra, cũng có những thách thức trong việc khảo sát nhóm cử tri gốc Latinh như rào cản ngôn ngữ và các vấn đề về lấy mẫu. Điều này có nghĩa là tỉ lệ ủng hộ tổng thể dành cho ông Trump tại các bang có đông dân số gốc Latinh có thể đã bị đánh giá thấp hơn thực tế.
Cuối cùng, sau sự ra đi của Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg hôm 18/9, tỷ lệ ủng hộ của các cử tri dành cho Tổng thống Trump có thể sẽ tăng mạnh, đặc biệt là trong trường hợp ông đề cử được một thẩm phán theo đường lối bảo thủ vào vị trí trống do bà Ginsburg để lại trước ngày 3/11. Lúc này, một nhiệm kỳ thứ hai dành cho Tổng thống đương nhiệm Mỹ dường như đang rất khả thi.
THU HẰNG
(TTXVN/Theo The Hiill)