Kể từ khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu, các nhà kinh tế và phân tích thị trường đã liên tục tranh luận về các kịch bản phục hồi của kinh tế thế giới sau giai đoạn suy thoái nghiêm trọng do nhiều quốc gia áp dụng các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại. Kịch bản mới nhất thu hút sự chú ý của các nhà phân tích là phục hồi hình “chữ K”.
Công nhân sản xuất tại một phân xưởng ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. |
Mạng tin Arab News cho biết, với kịch bản trên, sự sụt giảm theo chiều thẳng đứng đã xảy ra, giống như những gì thị trường chứng khoán và dầu mỏ đã chứng kiến trong tháng 3 và tháng 4 năm nay, nối tiếp sau đó là 2 mô hình ngược nhau với một bên là các nền kinh tế phục hồi tích cực và một bên tiếp tục suy giảm mạnh.
Theo các chuyên gia, quan sát kinh tế toàn cầu hiện nay có thể nhận thấy kịch bản này đang xảy ra.
Tại Mỹ, thị trường chứng khoán đã phục hồi nhanh chóng, thậm chí vươn tới mức cao nhất mọi thời đại, với chỉ số S&P 500 lấy lại tất cả những gì đã mất vào tháng 3 và thậm chí còn bùng nổ hơn nữa. Điều đó thể hiện trong nét hướng lên trên của mô hình phục hồi hình “chữ K”.
Tuy nhiên, nhiều chỉ số khác lại đang vận động theo chiều hướng ngược lại. Sản lượng kinh tế được đo bằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có xu hướng giảm, thất nghiệp tăng lên và các số liệu thống kê về phá sản và nợ nần đều rất tiêu cực. Đó chính là giai đoạn suy thoái trong nét đi xuống của “chữ K”.
Một điểm đáng chú ý khác là nền kinh tế Trung Quốc lại đang hoạt động giống hình “chữ V”, tức kinh tế lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ sau khi giảm tốc.
Giai đoạn suy thoái kinh tế mạnh mẽ trong tháng 3 đã khép lại và các biện pháp nghiêm ngặt được Bắc Kinh áp dụng để ngăn dịch bệnh COVID-19 lây lan đã có tác dụng đáng kể.
Trung Quốc là một trong số ít các nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ có tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dương trong năm nay và các chỉ số chứng khoán Trung Quốc, giống như S&P, đã phục hồi trở lại mức trước đại dịch.
Trong khi đó, tại các thị trường Arab vùng Vịnh, tình hình có phần phức tạp hơn do bao hàm yếu tố dầu mỏ.
Ngay cả với những thị trường không phụ thuộc quá nhiều vào các công ty năng lượng, nguồn lợi từ giá dầu cũng là thứ không thể bỏ qua khi nó cho phép thúc đẩy các hoạt động kinh tế và tạo đà chi tiêu của chính phủ. Do đó, hình dạng phục hồi của thị trường trong khu vực không phù hợp với bất kỳ mô hình chữ cái nào, V, K hoặc W (tức một đợt phục hồi ngắn sau đó là một giai đoạn suy thoái khác khi các lệnh phong tỏa được áp dụng trở lại nếu xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai).
Các thị trường đã chịu tác động mạnh mẽ trong tháng 3 và tháng 4/2020, và không giống như các chỉ số của Mỹ, chứng khoán vùng Vịnh không lấy lại được mức cao của những ngày trước đại dịch. Có lẽ chỉ có sự phục hồi bền vững của giá dầu mới đưa họ trở lại thời kỳ “hoàng kim” đó.
VIỆT KHOA (TTXVN)