Trong khi các hãng hàng không quốc gia truyền thống của châu Âu đang phải vật lộn với hậu quả năng nề do đại dịch COVID-19 gây ra, nhất là đối với các đường bay dài, các đối thủ cạnh tranh giá rẻ vẫn đứng vững và tiếp tục phát triển.
Máy bay của hãng Ryanair tại sân bay Brussels, Bỉ. |
Đối với các hãng hàng không lớn như Air France (Pháp), British Airways (Anh) hoặc Lufthansa (Đức), thách thức tăng gấp đôi.
Bên cạnh sự căng thẳng ngân sách do ảnh hưởng của đại dịch, lo ngại cũng nhiều hơn trước việc các hãng hàng không giá rẻ - những đối thủ đáng gờm nhất - đang phục hồi nhanh hơn nhiều so với dự kiến. Wizz Air, Ryanair và EasyJet đã thể hiện khả năng chống chọi tốt với khủng hoảng.
Hãng hàng không giá rẻ Wizz Air của Hungary gây bất ngờ khi vào đầu tháng 6, nhân dịp công bố kết quả kinh doanh hàng năm, đã công bố lợi nhuận ròng lên đến 292 triệu euro (344 triệu USD). Hãng này thậm chí còn dự đoán một kết quả cao hơn vào năm 2021, khoảng từ 320 triệu euro đến 350 triệu euro.
Wizz Air như được chắp cánh và đang muốn tận dụng thời cơ để phát triển. Hãng kêu gọi chấm dứt lệnh cấm chuyển giao khung giờ hạ và cất cánh do Ủy ban châu Âu đưa ra trong thời gian hoạt động hàng không gần như đóng cửa hoàn toàn suốt vài tháng vì cuộc khủng hoảng COVID-19. Wizz Air cho rằng, lệnh cấm này không còn phù hợp khi hoạt động hàng không nội khối đang dần phục hồi, thậm chí còn là rào cản khiến hãng không thể tiếp cận một số sân bay lớn như Gatwick ở ngoại ô London.
Bên cạnh Wizz Air, Ryanair của Ireland cũng công bố kết quả kinh doanh không quá tồi tệ như dự kiến. Hãng này đã chịu một khoản lỗ 185 triệu euro trong quý II vừa qua. Trong tháng 7, hãng chuyên chở 4,4 triệu lượt hành khách, giảm 70% so với cùng kỳ năm 2019. Kết quả này tốt hơn rất nhiều so với các hãng hàng không quốc gia. Lufthansa đã thông báo lỗ 3,6 tỷ euro trong nửa đầu năm, với lượng hành khách giảm 96%. Air France cũng rơi vào khó khăn khi lượng hành khách giảm 95,6%.
Sau Wizz Air và Ryanair, hãng EasyJet của Anh gây ngạc nhiên khi đón nhiều hành khách hơn dự kiến. Tỷ lệ lấp đầy chỗ lên đến 84% trong tháng 7 với các điểm đến như Faro (Bồ Đào Nha) và Nice (Pháp). Kỳ nghỉ hè hứa hẹn sẽ mang lại lợi nhuận rất cao, vì vậy hãng đã quyết định khai thác 40% công suất trong quý IV. Điều quan trọng là EasyJet đã xoay sở để chi tiêu ít hơn so với những lo ngại trong quý II.
Hãng đã giới hạn được khoản lỗ ở mức 833 triệu euro, thay vì 1,1 tỷ euro như dự kiến. Để giảm chi phí, hãng có kế hoạch cắt giảm 30% lực lượng lao động trong năm 2021, tương đương gần 4.500 việc làm.
LINH HƯƠNG (TTXVN)