Chính phủ Australia đã cam kết hỗ trợ 80 triệu AUD (55 triệu USD) cho một sáng kiến toàn cầu nhằm đảm bảo việc phân phối vắcxin phòng COVID-19 giá rẻ tới các nước nghèo trên thế giới trong tương lai.
Kỹ thuật viên thử nghiệm vắcxin phòng COVID-19 tại Đại học Oxford. |
Một số quốc gia, trong đó có Canada, Italy và Anh, đã có cam kết với COVAX AMC, một cơ chế tài chính được thiết lập để đảm bảo các công ty dược phẩm lớn cung cấp vắcxin phòng COVID-19 với giá phải chăng cho những quốc gia đang phát triển. Sáng kiến trên do Liên minh toàn cầu về Vắcxin và Tiêm chủng (GAVI) điều phối, nhằm kêu gọi tài trợ từ các nhà từ thiện lớn, các quốc gia giàu có và ngành công nghiệp dược phẩm.
Trong một tuyên bố ngày 26/8, Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne và Bộ trưởng Y tế Greg Hunt của Australia cho biết nước này mong muốn bất kỳ loại vắcxin COVID-19 nào trong tương lai cũng đều “an toàn, hiệu quả và giá cả phải chăng” trên toàn thế giới.
Bộ trưởng Payne cho biết thông qua việc tài trợ cho COVAX AMC, Australia sẽ giúp đảm bảo vắcxin COVID-19 cho các quốc đảo Thái Bình Dương và các nước Đông Nam Á, cung cấp đủ vắcxin cho 20% dân số các quốc gia trong giai đoạn đầu tiên, đặc biệt là dành cho những nhân viên y tế và nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi.
Trong khi các nước đang phát triển trên thế giới đều có thể tiếp cận COVAX AMC, Chính phủ Australia cho rằng các quốc gia khu vực Thái Bình Dương đủ điều kiện nhận hỗ trợ bao gồm Papua New Guinea, Quần đảo Solomon, Vanuatu, Fiji, Samoa, Tonga, Tuvalu và Kiribati. Các quốc gia Đông Nam Á đủ điều kiện bao gồm Indonesia, Timor-Leste, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines và Việt Nam.
Cho đến nay, COVAX AMC đã nhận được được hơn 600 triệu USD tài trợ và đặt mục tiêu huy động được 2 tỷ USD vào cuối năm nay. Mới đây, Chính phủ Australia đã đạt được một thỏa thuận với hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) về việc sản xuất vắcxin COVID-19 tiềm năng do hãng phối hợp với Đại học Oxford nghiên cứu và bào chế.
Thủ tướng Scott Morrison cho biết, Australia cũng có thể phân phối vắcxin này đến các đảo quốc Thái Bình Dương và các nước Đông Nam Á nếu những quốc gia này có thể tăng cường việc sản xuất vắcxin ở trong nước.
NGUYỄN MINH (TTXVN)