Tàu du lịch hạng sang SS America và vụ lừa đảo thế kỷ

Thứ Bảy, 25/07/2020, 07:32 [GMT+7]
In bài này
.

Năm 1978, TP. New York, Mỹ, rơi vào suy thoái kinh tế cộng với tỉ lệ tội phạm tăng cao đã khiến giới nhà giàu chọn cách đi chơi xa để thư giãn. Đa số đều đăng ký những chuyến du lịch nước ngoài và chiếc du thuyền sang trọng SS America thuộc Công ty lữ hành Venture Cruise Lines là ưu tiên hàng đầu của họ. Tuy nhiên chẳng ai biết rằng họ sẽ là nạn nhân của cú lừa thế kỷ…

Tàu SS America với vẻ ngoài tráng lệ.
Tàu SS America với vẻ ngoài tráng lệ.

10 giờ sáng ngày 21/6/1978, tại cầu cảng đặt tại đường 54, khu Mahattan, TP.New York, Mỹ, hơn 1.900 du khách với hành lý lỉnh kỉnh đang chờ lên tàu du lịch hạng sang SS America. Trước đó, khi mua vé, họ đã được Công ty lữ hành Venture Cruise Lines quảng cáo rằng chỉ từ 99 đến 135USD, du khách sẽ được hưởng 3 ngày thần tiên trên biển Caribean cùng các dịch vụ như bể bơi, sòng bạc, cửa hàng mua sắm, câu lạc bộ đêm (night club), sân khấu ca nhạc và 6 bữa ăn mỗi ngày.

10 giờ 30, khi chiếc cầu thang dẫn lên tàu hạ xuống, du khách mới nhận ra một vấn đề: Nhiều người mua vé nhưng không được lên tàu vì không có tên trong danh sách trong khi nhiều người khác không có vé nhưng lại được cho lên. Cuối cùng, khi sắp đến giờ khởi hành, thuyền trưởng mới xuất hiện và tuyên bố: “Tất cả cứ lên, dù có vé hay không có vé”. Vợ chồng Williams Faulkner ở khoang hạng nhất cho biết: “Lúc nhận phòng, chúng tôi không thể tin vào mắt mình khi sàn phòng đầy nước vì ống dẫn nước bị rò rỉ. Đã vậy, chỗ ngủ chỉ có 1 tấm nệm, không mền gối và cũng không có cả drap trải giường”. Gia đình Mark Levin ở khoang hạng 3 nói: “Chúng tôi gồm 4 người, vợ chồng tôi và 2 đứa con nhận được 2 phòng. Buồng vệ sinh của cả 2 phòng đều không được dọn dẹp nên mùi khai nồng nặc. Trên giường gián bò lúc nhúc còn dưới sàn, chuột chạy lung tung. Nó chẳng khác gì một thùng rác trên biển”.

Hạ thủy tháng 8/1939, tàu SS America dài 220m, sức chở 2.200 hành khách là con tàu du lịch xa hoa, sang trọng nhất thời ấy. Khi Thế chiến II nổ ra, Hải quân Mỹ trưng dụng làm tàu vận tải với cái tên mới là West Point. Chiến tranh chấm dứt, SS America lại quay về với vai trò du lịch nhưng suốt 7 năm phục vụ quân đội, do không được bảo trì nên nó xuống cấp trầm trọng mặc dù nó vẫn thực hiện các chuyến hải hành từ Mỹ đến châu Âu, Australia.

Tháng 3/1978, Công ty Venture Cruise Lines mua tàu SS America với giá 5 triệu USD rồi bỏ thêm 2 triệu USD để tân trang. Đến ngày 21/6/1978, họ thực hiện chuyến du lịch đầu tiên với phương châm “lấy số đông làm lời”. Mặc dù cơ sở hạ tầng của SS America phải sửa chữa rất nhiều nhưng tất cả những gì Venture Cruise Lines đã làm chỉ là “tráng men” cho phần bên ngoài. Nửa tháng trước ngày khởi hành, Bill Miller, nhà nghiên cứu lịch sử hàng hải đã nhận thấy lớp vỏ thép bên trong gỉ sét, nhiều chỗ bị ăn mòn, ống dẫn nước rò rỉ nhiều chỗ. Dọc theo các hành lang, những tấm thảm trải sàn chất thành từng đống cùng với những bao rác. Tất cả tạo ra cái mùi ẩm mốc, công với mùi nhà bếp, mùi dầu nhớt và nước thải khiến ông không thể tin rằng nó là tàu du lịch.

Ấy vậy mà nó vẫn được Venture Cruise Lines đưa vào khai thác. Khi tàu ra đến đảo Coney, vẫn còn khoảng 600 du khách trả tiến mua vé nhưng lại không tìm thấy phòng của mình. Đã vậy, nước trong bể bơi đục lờ lờ như nước rửa cá, các cửa hàng mua sắm lèo tèo vài món ăn vặt còn sân khấu ca nhạc thì đóng kín bằng một tấm màn nhung bạc màu. Đến bữa ăn, thay vì rửa các chén dĩa bằng sứ, thủy thủ chỉ dùng khăn lau sạch những thứ còn lại trên dĩa rồi lại tiếp tục dùng những cái dĩa ấy, dọn món cho người khác. Lang thang, vật vờ trên các hành lang, sự giận dữ của gần 600 du khách biến thành sự hỗn loạn. Tập trung tại văn phòng quản lý, họ hét lớn: “Trả tiền cho chúng tôi và đưa chúng tôi vào bờ”.

Tình hình trên tàu càng lúc càng xấu. Đã xảy ra xô xát giữa du khách và thủy thủ đoàn. Lo sợ bạo loạn, thuyền trưởng phải cầu cứu cảnh sát rồi sau đó, SS America phải chấp nhận yêu cầu của đám đông. Hai chiếc tàu kéo được cảnh sát điều đến. Hơn 1.000 hành khách lần lượt leo xuống bằng thang dây rồi được thả xuống đảo Staten gần đó. Tất cà đều phải bỏ tiền túi để thuê tàu vào bờ. Du khách Andrew Jackson giận dữ nói: “Venture Cruise Lines hứa khi chúng tôi vào bờ, sẽ có xe Limousine đưa chúng tôi về tận nhà nhưng chẳng hề thấy xe cộ nào hết. Chúng tôi phải đi taxi hoặc xe bus”.

Cuối cùng, chuyến du lịch kết thúc chỉ sau 1 ngày rưỡi nhưng điều khó tin là ngày 3/7, Công ty Venture Cruise Lines lại tổ chức chuyến du lịch thứ 2 kéo dài 5 ngày, vẫn bằng tàu SS America. Thế nhưng khi đến gần đảo Martha’s Vineyard, sóng lớn đập vào thân tàu đã khiến nhiều cửa sổ bị rò nước, đường ống nước chính bị vỡ, hầu hết các phòng trên tàu đều thấm nước, nhà vệ sinh không dùng được. Khi tàu đến Halifax, du khách đồng loạt bỏ lên bờ rồi tố cáo Venture Cruise Lines lừa đảo. Lúc thanh tra y tế bang New York lên tàu kiểm tra, họ chấm điểm vệ sinh cho tàu chỉ là 6/100. Công ty Venture Cruise Lines bị phạt 500 ngàn USD đồng thời phải bồi hoàn toàn bộ tiền vé cho khách.

Tháng 1/1994, SS America được một công ty du lịch ở Thái Lan mua lại rồi kéo về Phuket để làm khách sạn nổi. Thế nhưng lúc đi đến phía nam eo biển Gibraltar, dây cáp buộc tàu bị đứt. Sau khi trôi tự do 2 ngày, tàu mắc cạn ở quần đảo Canaries và bị sóng đánh vỡ làm đôi. Nó vĩnh viễn nằm lại ở đó như một chứng tích về sự kinh doanh chụp giựt.

VŨ CAO

(Theo Traveller’s Magazine)

 
;
.