Pin Lithium-ion và Lithium-polymer có gì khác biệt?

Thứ Bảy, 25/07/2020, 07:39 [GMT+7]
In bài này
.

Hai công nghệ pin Lithium-ion (Li-ion) và Lithium-polymer (Li-po) có sự khác biệt như thế nào và sự khác biệt đó ảnh hưởng ra sao đến trải nghiệm và độ an toàn khi sử dụng?

Pin Lithium-ion đã phát triển từ năm 1912, còn Lithium-polymer xuất hiện từ những năm 1970.

 

Pin Lithium-ion (trên) đã phát triển từ năm 1912, còn Lithium-polymer xuất hiện từ những năm 1970.

Công nghệ pin Li-ion từng được coi là công nghệ pin “quốc dân” khi nó được ứng dụng trên hầu hết các thiết bị điện tử. Tuy nhiên sự xuất hiện của pin Li-po đã làm thay đổi tất cả khi ngày càng nhiều hãng sản xuất lựa chọn nhằm đảm bảo độ an toàn cho thiết bị. Vậy sự khác biệt giữa hai loại pin này là gì và xét về độ an toàn, tuổi thọ, liệu loại pin nào sẽ chiếm ưu thế và trở thành ưu tiên số một của đông đảo người dùng?

Pin Li-ion hoạt động như thế nào?

Sở dĩ Li-ion được tin dùng đến vậy vì nó có mật độ năng lượng rất cao và không gặp phải hiệu ứng bộ nhớ. Đây là vấn đề thường xảy ra với các loại pin pha niken-cadmium hay niken-hydro khiến các cell pin khó có thể thu nhận thêm năng lượng sau một quá trình dài sử dụng.

Pin Li-ion được chế tạo từ hai điện cực dương và âm, đồng thời được phân tách bằng chất điện phân lỏng, ví dụ như ethylene carbonate hoặc dietyl carbonate. Mặc dù vậy kích thước và hình dáng của chúng thường bị giới hạn khá nhiều. Dung lượng pin Li-ion giảm theo chu kỳ sạc và thậm chí có thể tự xả khi không sử dụng tới.

Pin Li-po hoạt động như thế nào?

Công nghệ pin Li-po ra đời muộn hơn Li-ion. Nó chỉ mới xuất hiện từ những năm 1970 và đang dần phổ biến hơn. Cụ thể, Samsung đã chuyển sang sử dụng pin Li-po trên dòng Galaxy S20 ra mắt gần đây.

Pin Li-po sử dụng điện cực dương và âm nhưng ngăn cách giữa hai cực không phải chất điện hóa học lỏng mà là chất điện phân rắn, khô hoặc loại giống như gel. Việc sử dụng các chất điện phân này giúp các nhà sản xuất có thể chế tạo được viên pin có các hình dạng khác nhau, linh hoạt hơn và cũng chứa được nhiều năng lượng hơn. Một ưu điểm khác của loại pin này là hạn chế tối đa nguy cơ rò rỉ chất điện phân, dẫn tới cháy nổ.

Tóm lại, pin Li-po có phần an toàn hơn so với pin Li-ion. Nhưng cũng cần phải nói thêm về nhược điểm của loại pin này. Đó là chi phí sản xuất cao, vòng đời và khả năng trữ năng lượng của pin Li-po cũng ngắn hơn so với pin Li-ion có cùng kích thước. Tất nhiên pin cũng có cơ chế bảo vệ giúp duy trì điện áp ở ngưỡng giới hạn an toàn.

Nhìn chung, pin Li-po đang thay thế Li-ion trong ngành công nghiệp smartphone và điện tử nhờ sự an toàn vượt trội, linh hoạt về hình thức và phù hợp để áp dụng các công nghệ sạc nhanh mới. Nhưng có lẽ nhờ giá thành phải chăng nên pin Li-ion vẫn sẽ tiếp tục tồn tại trong một thời gian dài nữa trước khi pin Li-po thực sự phổ biến.

XUÂN NGUYỄN 

 
;
.