WHO kêu gọi chia sẻ vaccine

Chủ Nhật, 14/06/2020, 21:07 [GMT+7]
In bài này
.

Trong bối cảnh giới khoa học chạy đua để sản xuất vaccine phòng COVID-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi thế giới chia sẻ loại vaccine này và cho rằng vaccine phòng virus SARS-CoV-2 cần phải được xem là hàng hóa công toàn cầu.

Theo WHO, cần phải đảm bảo tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận công bằng đối với bất kì loại vaccine nào đang được phát triển. Tổng Giám đốc WHO Adhanom Ghebreyesus khẳng định mọi loại vaccine được xem là hàng hóa công toàn cầu cần phải được thúc đẩy và giới lãnh đạo cần đưa ra cam kết chính trị. Tuyên bố của WHO được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều quan ngại rằng một số quốc gia có thể tích trữ vaccine hoặc thuốc dùng để điều trị COVID-19, khiến các nước nghèo không thể tiếp cận.

Trong khi đó, ngày 13/6, Bộ Y tế liên bang Đức công bố nước này cùng với Pháp, Italy và Hà Lan đã ký hợp đồng đầu tiên với công ty dược phẩm AstraZeneca nhằm cung cấp ít nhất 300 triệu liều vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 cho các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Đơn đặt hàng với công ty dược phẩm AstraZeneca lên tới 400 triệu liều vaccine và trong trường hợp thuận lợi sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay.

Bộ Y tế Đức cho biết hợp đồng phát triển vaccine có liên quan đến dự án phát triển vaccine phòng dịch COVID-19 mang tên AZD1222 do AstraZeneca cùng Đại học Oxford nghiên cứu và phát triển, đang được thử nghiệm trong một nghiên cứu lớn. Theo một thông báo gần đây của AstraZeneca, công ty này dưới danh nghĩa khác cũng đã ký kết các thỏa thuận tương tự với Vương quốc Anh và Mỹ.

Liên quan tới điều trị COVID-19, các nhà nghiên cứu Chile tuyên bố đã phát hiện kháng thể “mạnh nhất thế giới” có khả năng chống lại virus SARS-CoV-2. Kháng thể trên do một loài lạc đà không bướu sản sinh ra và có thể đưa vào cơ thể người để trung hòa virus SARS-CoV-2 thông qua một ống hít qua đường mũi.

Theo bác sĩ Alejandro Rojas, trưởng phòng thí nghiệm công nghệ sinh học y tế tại trường Đại học Austral của Chile, kháng thể này có thể ngăn chặn hiệu quả khả năng sao chép của virus. Những người tiếp nhận kháng thể này có thể tự sản sinh nhiều kháng thể hơn về lâu dài trong khả năng miễn dịch.

Sau khi phân lập thành công kháng thể từ loài lạc đà không bướu, các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Austral còn phải chứng minh khả năng ngăn chặn virus SARS-CoV-2 của loại kháng thể này. Bác sĩ Rojas cho biết chi phí để thử nghiệm kháng thể mới có thể lên đến 2 triệu USD và nhấn mạnh rằng đây là “một vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu”.

THÙY DƯƠNG

;
.