Tính đến ngày 29/6, tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) trên toàn cầu là 10.228.319 ca, trong đó có 503.985 người thiệt mạng.
Tình nguyện viên Ấn Độ chuyển thi thể một bệnh nhân COVID-19 tới nghĩa trang ở Chennai ngày 16/6/2020. |
Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 5.546.444 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm xuống còn 57.957 và 4.177.890 ca đang điều trị tích cực. Ngày 28/6, thế giới có 132 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 77 quốc gia và vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm Mỹ (35.221 ca), Brazil (28.202 ca) và Ấn Độ (19.620 ca); trong khi các nước Mexico (602 ca), Brazil (519 ca) và Ấn Độ (384 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến lo ngại bắt đầu xuất hiện trở lại ở châu Á, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai.
Số ca mắc mới tăng mạnh nhiều nơi ở châu Á, trong đó phải kể đến một số điểm nóng từng kiểm soát tốt dịch bệnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong khi Ấn Độ đối mặt với nguy cơ trở thành tâm dịch mới của thế giới.
Châu Âu tiếp tục xu thế “hạ nhiệt”, tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục này nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế.
Trên bình diện khu vực, Mỹ Latinh tiếp tục là điểm nóng của đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm đặc biệt tăng mạnh trong những ngày gần đây tại Brazil, Mexico và Chile... Brazil hiện cũng là nước có số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao thứ hai thế giới. Khối ASEAN chỉ có 2 quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus SARS-CoV-2. Indonesia tình hình ngày càng nghiêm trọng khi số bệnh nhân mắc và số ca tử vong tiếp tục ở mức cao. Các nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt dịch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại nhịp. Nhiều nước ASEAN tiến tục xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội.
Dù vậy, tâm lý lo sợ một làn sóng dịch thứ hai đang ngày càng gia tăng tại nhiều khu vực của thế giới, và Đông Nam Á không phải là ngoại lệ.
THANH TUẤN (TTXVN)