Biên giới Trung Quốc-Ấn Độ đã ổn định và kiểm soát được

Thứ Sáu, 19/06/2020, 22:48 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 19/6, Trung Quốc tuyên bố tình hình tại biên giới Trung-Ấn nhìn chung đã ổn định và kiểm soát được.

Lính biên phòng Ấn Độ gác tại Gagangir, khu vực biên giới với Trung Quốc, ngày 17/6/2020. (Ảnh: AFP)
Lính biên phòng Ấn Độ gác tại Gagangir, khu vực biên giới với Trung Quốc, ngày 17/6/2020. (Ảnh: AFP)

Phát biểu tại họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh với sự đồng thuận quan trọng mà lãnh đạo Trung Quốc và Ấn Độ đạt được, Bắc Kinh tin tưởng rằng 2 nước có thể giải quyết tình hình hiện nay một cách phù hợp, cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định tại các khu vực biên giới, bảo đảm các mối quan hệ song phương phát triển ổn định và tốt đẹp.

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã leo thang, sau khi binh lính 2 nước đụng độ tại thung lũng Galwan đêm 15/6. Quân đội Ấn Độ cho biết ít nhất 20 binh sĩ nước này đã thiệt mạng. Hai bên đã cáo buộc lẫn nhau không giữ cam kết tôn trọng Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) tại thung lũng Galwan.

Ông Triệu Lập Kiên cho biết kể từ khi vụ việc xảy ra, Trung Quốc và Ấn Độ đã thực hiện nhiều cuộc tiếp xúc và phối hợp thông qua các kênh quân sự và ngoại giao. Hai bên đã nhất trí giải quyết căng thẳng với thái độ phù hợp, tuân thủ thỏa thuận đạt được trong các cuộc họp cấp chỉ huy quân đội, giảm căng thẳng trên thực địa sớm nhất có thể, duy trì hòa bình và ổn định tại biên giới.

Cùng ngày, hãng PTI đưa tin tối 18/6, Trung Quốc đã trả tự do cho 10 binh sĩ Ấn Độ bị bắt giữ trong cuộc đụng độ tại Himalaya. Chính phủ Ấn Độ không có bình luận gì về thông tin này, song quân đội Ấn Độ đã ra tuyên bố, trong đó khẳng định không có binh sĩ nào của nước này mất tích sau cuộc đụng độ tại thung lũng Galwan ở Ladakh.

Khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc căng thẳng sau một loạt cuộc đụng độ đầu tháng 5 vừa qua giữa binh lính 2 bên ở Đông Ladakh gần hồ Pangong. Vụ việc ngày 15/6 là vụ đụng độ gây chết người đầu tiên dọc LAC kể từ cuộc đối đầu 73 ngày tại Doklam, mà Trung Quốc gọi là Đông Lãng, năm 2017.

Cuối tháng trước, Trung Quốc đã triển khai một lực lượng binh sĩ đáng kể đến khu vực biên giới. Đáp lại, Ấn Độ cũng đã điều thêm 5.000 binh sĩ đến Ladakh để tăng viện cho lực lượng đang trấn giữ vùng đất dọc theo LAC.

ĐẶNG ÁNH (TTXVN)

 
;
.