.

60% người dân Hàn Quốc phản đối rải truyền đơn sang Triều Tiên

Cập nhật: 21:46, 15/06/2020 (GMT+7)

Nhân kỷ niệm 20 năm Tuyên bố chung liên Triều (15/6/2000-15/6/2020), đài truyền hình KBS của Hàn Quốc đã công bố kết quả cuộc khảo sát đối với 1.000 người trưởng thành trên toàn quốc từ ngày 5-9/6 về quan điểm của họ đối với các chiến dịch thả truyền đơn của một tổ chức dân sự của người tị nạn Triều Tiên tại Hàn Quốc, vốn đang vấp phải sự chỉ trích quyết liệt của chính quyền Triều Tiên.

Hoạt động thả bóng bay mang theo truyền đơn chống Triều Tiên của các nhà hoạt động Hàn Quốc.
Hoạt động thả bóng bay mang theo truyền đơn chống Triều Tiên của các nhà hoạt động Hàn Quốc.

Theo khảo sát, có 60,6% người tham gia khảo sát cho rằng cần chấm dứt hành động này, 39,4% cho rằng nên tiếp tục. Điều này cho thấy đa số dư luận Hàn Quốc lo ngại vấn đề rải truyền đơn đang khiến cục diện hai miền Triều Tiên rơi vào căng thẳng.

Ngoài ra, có 69,6% ý kiến bày tỏ ủng hộ và 30,4% phản đối xúc tiến giao lưu hợp tác liên Triều về các dự án không vi phạm lệnh trừng phạt Triều Tiên của LHQ, như hợp tác phòng dịch, triển khai hoạt động du lịch cá nhân sang Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, quá bán số người tham gia khảo sát (51,5%) cho rằng không nên chính thức gỡ bỏ Lệnh cấm vận 24/5/2010 do Chính phủ Hàn Quốc ban hành với Triều Tiên sau khi nước này đánh chìm tuần dương hạm Cheonan của Hải quân Hàn Quốc hồi tháng 3/2010, mặc dù biện pháp này không phát huy hiệu quả thực tế.

Liên quan tới giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, 57,5% người tham gia nhận định biện pháp cần thiết nhất là “phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách ổn thỏa”. Ngoài ra, 50,3% người được hỏi cho rằng lệnh trừng phạt của LHQ rất hữu ích, hoặc có giúp ích phần nào cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Song cũng có tới 49,7% trả lời ngược lại. 61,1% cho rằng cần nới lỏng các biện pháp cấm vận để đạt tiến triển trong đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều, hiện đang rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, có tới 63,2% nhận định tiêu cực về triển vọng giải quyết vấn đề hạt nhân Bình Nhưỡng.

CHÍ KIÊN (Vietnam+)

.
.
.