Cuối năm 1915, Haber nhận ra rằng những thùng nén khí Clo có hai nhược điểm không thể khắc phục được. Đó là việc vận chuyển đến gần phòng tuyến địch quân đòi hỏi phải có một lực lượng hùng hậu đi theo để bảo vệ nếu không muốn bị đánh úp, hai là việc thả khí Clo phải dựa vào chiều gió. Nếu gió thổi về phía quân Đức thì xem như mình tự giết mình. Vì vậy, sau nhiều ngày nghiên cứu, Haber đã thành công trong việc nạp khí Clo vào đạn đại bác.
Fritz Haber (người chỉ tay) và các sĩ quan Đức cùng lô đạn đại bác đầu tiên chứa khí clo. |
5 giờ sáng ngày 21/8/1916, những quả đạn đại bác đầu tiên bắn đi từ một vị trí của quân đội Đức, nổ tung trên tuyến phòng thủ của quân Đồng Minh ở miền bắc nước Áo. Tiếp theo, những quả đạn khác liên tục rơi xuống, tạo thành một trận mưa pháo suốt chiều dài gần 5km. Cứ sau mỗi tiếng nổ là một đám khói màu vàng nhạt bung ra, phủ lên phòng tuyến của quân Đồng Minh rồi nhanh chóng tràn ngập các chiến hào.
Gần như ngay lập tức, những người lính Anh, Pháp, sau khi hít phải cái khí màu vàng ấy đều ho sặc sụa rồi ngạt thở. Một lính tiếp vận người Canada may mắn thoát chết vì lúc đẩy chiếc xe chở nồi súp và bánh mì đến chiến hào, anh ta thấy cổ họng nóng rát, mắt cay xè và đầu thì lùng bùng nên đã bỏ xe chạy về tuyến sau. Kể lại với các bác sĩ quân y, anh lính này nói: “Tôi không biết nó là gì. Nó khiến cho phổi tôi như có lửa và họng tôi như bị ai đó xé toạc ra. Tôi nghĩ nếu tôi nán lại chừng 1, 2 phút nữa thì có lẽ tôi sẽ chết vì không thở nổi”.
10 giờ trưa, khi đám mây màu vàng đã tan hết, các bác sĩ quân y cùng một số sĩ quan Đồng Minh lên xem. Trước mắt họ, trong các chiến hào là những xác chết ngổn ngang. Xác nào da cũng xám đen, miệng há lớn như thể cố nuốt lấy những hớp không khí cuối cùng. Tổng cộng gần 1.500 lính ở vị trí phòng thủ phía bắc nước Áo không ai sống sót. Bác sĩ quân y Alain Courster, người Pháp, viết trong nhật ký công tác: “Đây là vụ tấn công bằng khí độc đầu tiên, gây ra bởi quân Đức. Nó khiến nạn nhân chết vì ngạt thở và nó là cái chết vô hình”.
Để trả đũa, phía Đồng Minh cũng lao vào cuộc chạy đua sản xuất khí độc chống lại nước Đức. Cho đến khi Thế chiến I kết thúc vào lúc 11 giờ trưa ngày 11/11/1918 bằng sự đầu hàng của người Đức, đã có khoảng 180.000 lính của cả hai phe chết vì khí Clo, khí phosgene và khí mù tạt, trong đó phe Đồng Minh chết hơn 100.000 người.
Nghe tin sẽ bị bắt vì tội ác chiến tranh, Haber trốn sang Thụy Sĩ nhưng vài tháng sau, ông ta trở về Đức vì đó chỉ là tin đồn. Tuy nhiên Haber cũng tiên liệu được số phận mình nên ông ta từ chức Viện trưởng Viện Hóa học rồi quay lại Thụy Sĩ. Ở chưa ấm chỗ, quốc gia trung lập này khuyên Haber nên nhanh chóng rời đi vì họ sợ rằng thân nhân của những người đã chết vì khí độc hồi Thế chiến I sẽ trả thù!
Tháng 11/1919, sau nhiều ngày duyệt xét, Hội đồng Nobel quyết định trao giải Nobel Hóa học cho Haber về công trình nghiên cứu tổng hợp amoniac. Quyết định ấy đã gây ra những tranh cãi bất tận về vai trò của Haber trong Thế chiến I, thậm chí có 2 nhà khoa học người Pháp cũng được trao giải Nobel nhưng đã từ chối để phản đối Haber. Họ tuyên bố: “Bằng cách trao giải Nobel Hóa học cho tên sát nhân hàng loạt, giải Nobel đã tự mình làm mất đi đạo đức và danh dự cho những người cùng nhận lãnh nó. Nếu Hội đồng vẫn quyết định trao nó cho Haber thì nên gọi nó là giải Nobel ô nhục…”. Thế nhưng lễ trao giải vẫn được tổ chức và Haber vẫn lên bục nhận giải!
Quay lại nước Đức, Haber tiếp tục ủng hộ quê hương bằng cách nghiên cứu lấy vàng từ nước biển - một công trình mà ông ta hy vọng sẽ giúp nước Đức trả hết nợ chiến tranh. Tuy nhiên, việc nghiên cứu thất bại vì chi phí bỏ ra để thu hồi 1 once vàng từ nước biển, có thể mua được 3 once vàng ngoài thị trường. Khi Hitler trở thành lãnh tụ đảng Quốc xã, nhiều tướng lĩnh Đức đã tiến cử Haber với Hitler nhưng Hitler thẳng thừng từ chối vì theo điều tra của Cơ quan mật vụ Gestapo, một nửa dòng máu trong người Haber là… Do Thái!
Những ngày cuối đời, Haber lang thang khắp châu Âu để tìm việc làm nhưng ở đâu ông ta cũng bị xa lánh và từ chối. Năm 1934, lúc 65 tuổi, Haber chết vì suy tim trong một nhà vệ sinh công cộng. Khi Thế chiến II nổ ra, một lần nữa Phát xít Đức lại dựa trên những công trình nghiên cứu của Haber về vũ khí hóa học để cho ra đời khí Zyklon B - loại khí khét tiếng được sử dụng trong các trại tập trung, giết chết 11 triệu người Do Thái.
Nhiều năm sau khi Haber qua đời, cái tên của ông ta vẫn tiếp tục gây tranh cãi. Một số nhà khoa học cho rằng “phát minh tổng hợp amoniac của Haber đã cứu hàng trăm triệu người thoát khỏi nạn đói bằng cách cung cấp cho thế giới một công nghệ sản xuất phân bón dồi dào” nhưng ngược lại, nhiều nhà khoa học lại gọi Haber là “một anh hùng và cũng là một sát nhân, kẻ đã thể hiện năng lực để nuôi dưỡng cuộc sống đồng thời cũng chính là kẻ đã hủy diệt cuộc sống”. Ngay cả người bạn thân của Haber là nhà bác học lừng danh Albert Einstein - cha đẻ của “Thuyết Tương đối” cũng nói: “Cuộc sống của Haber là một bi kịch. Trong anh ta có cả một vị thánh và một con quỷ. Anh ta sáng tạo và phá hoại. Khi cầm trong tay hàng triệu đồng mark Đức, anh ta vui mừng trước cái chết đau đớn của hàng trăm nghìn người. Anh ta sống giàu sang, xa xỉ nhưng chết một mình trong sự cô lập của nhân loại. Lịch sử chẳng biết cách nào để có thể đánh giá tội lỗi và đóng góp của anh ta…”.
Ngày nay, người ta ước tính rằng quy trình tổng hợp amoniac của Haber vẫn tiếp tục cung cấp nitơ làm phân bón cho 2/3 số cây trồng trên toàn thế giới nhưng điều ấy vẫn không xóa được cái biệt danh “Kẻ giết người hàng loạt bằng khí độc”…
VŨ CAO (Theo Chemical Wars)