GILBERT CHIKLI VÀ VỤ LỪA ĐẢO CHẤN ĐỘNG NƯỚC PHÁP

Kỳ 1: "Tài" không đợi tuổi

Chủ Nhật, 31/05/2020, 19:01 [GMT+7]
In bài này
.

Xưa nay, mạo nhận là người thân của các quan chức cao cấp để lừa đảo vẫn thường xảy ra trên thế giới, nhưng mạo nhận mình chính là quan chức ấy thì đó là điều hiếm có và rất khó thành công nếu người bị lừa cũng là quan chức hoặc các nhà tài phiệt. Ấy vậy mà Gilbert Chikli, kẻ giả danh Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian lại lừa được hơn 150 người, toàn là những vị “tai to mặt lớn” với số tiền lên đến 80 triệu euro.

Chikli trong ngôi biệt thự của mình, mua bằng tiền lừa đảo nhưng để vợ đứng tên.
Chikli trong ngôi biệt thự của mình, mua bằng tiền lừa đảo nhưng để vợ đứng tên.

MÀN KỊCH HOÀN HẢO

Một buổi chiều tháng 3/2015, chiếc điện thoại di động trên bàn làm việc của ông Olivier de Boisset, người Pháp, giám đốc Công ty Công nghệ thông tin Liptinfor ở Niger, châu Phi, reo vang. Cầm lên, ông Boisset nghe người bên kia tự giới thiệu mình là Jean-Yves Le Drian, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp. Le Drian nói: “5 công dân Pháp vừa bị bọn khủng bố bắt cóc ở Mali. Nước Pháp chờ đợi điều tồi tệ nhất. Tôi đang nói về mạng sống của họ và chúng tôi muốn giải cứu họ. Điều tôi cần biết là ông có cùng tham gia với chúng tôi trong sứ mệnh này không? Nếu câu trả lời là “có” thì tôi sẽ thông báo cho Tổng thống rằng tôi có một người sẵn sàng hành động”.

Vài giây ngần ngừ, ông Boisset đồng ý mặc dù chưa hiểu mình sẽ tham gia cuộc giải cứu bằng hình thức gì. Về sau, khi vụ lừa đảo bị phanh phui, trả lời phỏng vấn của tờ báo Pháp Les Echos, ông Boisset kể: “Khi biết tôi đồng ý, Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian nói là để phóng thích 5 công dân Pháp, bọn khủng bố đòi 5 triệu euro. Ông ấy đã vận động được 3 triệu, hiện vẫn còn thiếu 2 triệu. Le Drian cũng nói thêm là ông ấy cần tôi đứng ra chuyển tiền cho bọn khủng bố vì trên phương diện quốc tế, nước Pháp không bao giờ thỏa hiệp bằng cách trả tiền chuộc. Khi 5 người Pháp được tự do, Ngân hàng Trung ương Pháp sẽ hoàn lại 2 triệu Euro cho tôi”.

Đặt điện thoại xuống, ông Boisset vẫn còn chút nghi ngờ vì nếu nước Pháp muốn trả tiền chuộc nhưng lại không muốn ra mặt thì chỉ việc chuyển 2 triệu euro cho ông để ông giao cho bọn khủng bố là xong, chứ hà cớ gì ông phải bỏ tiền túi, mặc dù Bộ trưởng Le Drian nói ông sẽ được Ngân hàng Trung ương Pháp hoàn lại. Để kiểm chứng, Boisset bấm số máy vừa gọi đến. Vẫn trong cuộc phỏng vấn của tờ Les Echos, Boisset kể: “Một giọng nam vang lên khi chuông reo chưa hết hồi thứ 3: “Đây là văn phòng Bộ trưởng Jean-Yves Le Drian. Tôi là trợ lý của ngài bộ trưởng. Xin lỗi, ai gọi đấy ạ?” Tôi đáp: “Anh vui lòng báo cho Bộ trưởng biết tôi là Olivier de Boisset, ông ấy vừa nói chuyện với tôi vài phút trước”.

Giọng nam đó chính là Anthony Lazarevith, 32 tuổi, người Pháp gốc Israel, đồng phạm của Chikli. Vở diễn hoàn hảo đến nỗi chỉ 2 tiếng sau, Olivier de Boisset chuyển vào tài khoản của một ngân hàng ở Mali 2 triệu euro với niềm tin ông vừa giúp đỡ nước Pháp, đem lại tự do cho 5 công dân Pháp nhưng Boisset không hề biết rằng chẳng có một người Pháp nào bị bọn khủng bố bắt ở Mali vào thời điểm ấy, cũng như ông là một trong số 150 nạn nhân của một màn kịch lừa đảo vô tiền khoáng hậu. Những nạn nhân này gồm Tổng thống Niger, Thủ tướng Na Uy, Quốc vương Bỉ, Tổng giám mục giáo phận Lyon, Tổng giám đốc UNESCO, Bruno Paillard, chủ sở hữu hãng rượu vang Chateau Margaux nổi tiếng, Aga Khan, tỉ phú đồng thời là nhà lãnh đạo tinh thần của người Hồi giáo dòng Ismail cùng nhiều giám đốc, tổng giám đốc các công ty tầm cỡ thế giới. Tác giả của những vụ siêu lừa đảo này là Albert Chikli và trợ thủ của hắn là Anthony Lazarevith.

CHÂN DUNG SIÊU LỪA

Sinh năm 1965 tại Paris, Pháp, trong một gia đình nghèo gốc Do Thái - Tunisia. Ở bậc tiểu học, Chikli vào trường Cours Florent. Lên trung học, Chikli nội trú ở trường Drôme nhưng mới hết lớp 7, Chikli chuyển sang Trung tâm lãnh đạo trẻ kinh doanh (CJD). Đây là một cơ sở giáo dục chuyên nghiệp do nhà tài phiệt Jean Mersch thành lập năm 1938 với mục tiêu đào tạo các học viên phát triển năng khiếu cá nhân trong lĩnh vực thương mại. Giáo trình của CJD bao gồm những phương pháp mang lại thành công của các tỉ phú trên thế giới, cũng như các mánh khóe lừa đảo trên thương trường để học viên sau này ra đời, không bị mắc bẫy.

21 tuổi, Chikli tốt nghiệp CJD. Và thay vì thực hiện những phương pháp đã học để làm giàu thì Chikli lại dùng nó để lừa đảo. Phi vụ đầu tiên của Chikli là bán cho một ông hoàng ở Arab Saudi chiếc máy bay du lịch Cessna 182 với giá 125.000 euro. Bằng cách chuyển cho ông hoàng này xem một xấp ảnh rồi khi ông hoàng từ Arab Saudi đến Toulouse, Pháp, Chikli dẫn ông hoàng đến một sân bay tư nhân, chỉ cho ông ta thấy chiếc Cessna 182 nằm trong sân đỗ có mái che rồi nhận nó là của mình trong lúc chủ nhân thực sự của chiếc máy bay ấy là một ông trùm trong ngành bất động sản Pháp. Tiếp theo, Chikli nhận “đặt cọc” 50.000 euro bằng tiền mặt để làm thủ tục chuyển quyền sở hữu. Khi biết ông hoàng lái được máy bay nhưng chưa có bằng để được phép bay ở châu Âu, Chikli nhận thêm 20.000 euro nữa để giúp ông hoàng “lấy được bằng lái quốc tế, có giá trị trên toàn thế giới”.

Đúng hẹn, ông hoàng Arab đến sân bay gặp Chikli để nhận chiếc Cessna 182 và bằng lái nhưng đợi suốt 3 tiếng đồng hồ mà vẫn “bóng chim tăm cá”. Tới chừng hỏi người quản lý thì mới biết đây là sân bay tư nhân nên ai cũng có thể tự do ra vào. Bộ phận an ninh chỉ kiểm tra giấy chứng nhận sở hữu máy bay, thẻ căn cước, bằng lái, hợp đồng thuê sân đỗ..., nếu có người xin phép cất cánh, còn chiếc Cessna 182 là của ông Montpalier, kinh doanh bất động sản, văn phòng công ty đặt tại Toulouse. Ông ta gửi chiếc Cessna 182 ở nơi này, vài tháng mới đến một lần, chủ yếu dùng nó để thỏa mãn đam mê bay bổng...

VŨ CAO (Theo Criminal History)

;
.