Một lễ kỷ niệm "đặc biệt"
Không lễ diễu binh rầm rộ, không tập hợp đông người và cũng không có những cái ôm hôn đầy xúc động giữa các cựu chiến binh. Các vòng hoa được đặt trong khoảng cách thích hợp bởi những người đeo khẩu trang sau khi đã rửa tay bằng nước sát khuẩn khô. Đó là tất cả những gì diễn ra trong lễ mừng chiến thắng phát xít Đức năm nay ở nhiều nơi trên thế giới, tất cả chỉ vì dịch bệnh có tên COVID-19.
Quảng trường Đỏ, Moscow, vắng lặng trong ngày kỷ niệm 75 năm chiến thắng Phát xít Đức. |
Các quốc gia châu Âu đã tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm ngày đánh bại phát xít Đức, chấm dứt Thế chiến II trên lục địa này bằng những cách chưa từng thấy. Nếu như mọi năm, hàng trăm ngàn cựu chiến binh trên thế giới tụ tập về London, Paris, Moscow, Hawaii... để ăn mừng chiến thắng thì năm nay, họ vẫn được khuyến khích tôn vinh ngày này - nhưng tôn vinh... ở nhà!
75 năm trước ở Berlin, quân đội Đức Quốc xã chính thức ký văn kiện đầu hàng, chấm dứt gần 6 năm xung đột trên lục địa châu Âu, cuốn theo hàng trăm triệu người, trong đó 70 triệu người đã chết. Thời điểm ấy, những biển người đổ xô ra đường phố Anh quốc, Pháp, Ba Lan, Mỹ, Hungary, Tiệp Khắc, Hà Lan, Bỉ, Áo... cùng nhiều quốc gia khác đã từng nằm dưới ách thống trị của chủ nghĩa Phát xít nhưng hôm nay, đại lộ Champs-Élysées ở Paris hay Quảng trường Trafalgar ở London, Quảng trường Đỏ ở Moscow gần như trống vắng bởi lẽ dịch bệnh COVID-19 đã khiến hơn 4 triệu người nhiễm bệnh và hơn 300 ngàn người tử vong, chủ yếu là người già.
Ở Anh, hình ảnh của lễ tưởng niệm quốc gia chỉ là đội bay biểu diễn Red Arrows thuộc Không quân Hoàng gia Anh lướt qua Quảng trường Buckingham ở London. Trên khắp đất nước, mọi người được đề nghị đứng lên, im lặng trong 2 phút khi đài BBC phát lại bài diễn văn của Winston Churchill, thủ tướng Anh Quốc hồi Thế chiến 2. Tuy nhiên, tất cả những việc ấy đều diễn ra... trong nhà!
Ở Pháp, ngoài việc kêu gọi người dân Pháp ai ở chỗ nào ở yên chỗ ấy, treo cờ nơi cửa sổ hoặc ban công để chào mừng ngày chiến thắng, Tổng thống Emmanuel Macron xuất hiện tại nghi lễ tưởng niệm ở Paris nhưng không có đám đông nào được phép tụ họp. Cũng không có duyệt binh như truyền thống trên đại lộ Champs-Élysées. Số người dự lễ tưởng niệm chỉ gồm các bộ trưởng, chính trị gia và sĩ quan quân đội, đứng cách xa nhau khi quốc ca vang lên dưới Khải Hoàn Môn, nơi Tổng thống Macron đặt vòng hoa trên ngôi mộ Chiến sĩ vô danh. Sau khi viết vài dòng tri ân, ông Macron rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn. Theo lịch, Tổng thống Macron sẽ đến Moscow để tham dự cuộc diễu hành mừng chiến thắng nhưng chính phủ Nga đã hủy bỏ sự kiện này.
Ở Đức, lễ kỷ niệm toàn quốc cũng bị hủy bỏ, nhưng Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống Frank Walter Steinmeier đã đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân của cuộc chiến. “Luôn ghi nhớ” là lời Tổng thống Steinmeier nói tại đài tưởng niệm Neue Wache ở Berlin: “Không có sự cứu chuộc nào từ lịch sử của chúng ta”.
Lần đầu tiên, Berlin đã tự tuyên bố ngày chiến thắng phát xít Đức là ngày lễ trong lúc những năm trước thì ngày này là ngày làm việc bình thường. Năm nay, Esther Béjarano, người đã sống sót từ trại tập trung và là người đứng đầu Ủy ban Quốc tế Auschwitz, gồm những nạn nhân còn sống, đã viết một kiến nghị gửi Tổng thống Steinmeier và thủ tướng Merkel, trong đó có đoạn: “Ngày chiến thắng nên là một cơ hội để nghĩ về những niềm hy vọng lớn của loài người: Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Bản kiến nghị đã thu được hơn 100 ngàn chữ ký ủng hộ.
Tại Nga, lễ kỷ niệm 75 năm chiến thắng Phát xít Đức được dự trù tổ chức long trọng và hoành tráng nhưng COVID -19 đã làm đảo lộn mọi lịch trình. Các hoạt động lễ hội phải rút gọn trong hoàn cảnh đặc biệt: Không diễu hành quần chúng, không diễu binh, chỉ có không quân biểu diễn trên Quảng trường Đỏ và Tổng thống Vladimir Putin, một mình dưới chân tường điện Kremlin, đọc diễn văn gửi đến quốc dân. Đại đa số người dân Nga phải ở nhà theo dõi lễ kỷ niệm qua truyền hình hoặc internet. Tuy vậy, trong khu vực vẫn có hai nước quyết định duy trì các cuộc diễu binh là Turkmenistan và Belarus. Có ít nhất 5.000 người tham gia cuộc tuần hành tại thủ đô Minsk.
Lễ kỷ niệm chiến thắng năm nay mang một ý nghĩa mới khi cả châu Âu đang phải đối đầu với cuộc khủng hoảng COVID -19. Một số các nhà lãnh đạo đã ví cuộc chiến chống dịch bệnh như một cuộc chiến tranh. Thủ tướng Boris Johnson, người vừa ra viện vài tuần sau khi nhiễm virus, nói: “Chúng ta không thể tổ chức cuộc diễu hành và các hoạt động kỷ niệm trên đường phố như trước đây. Nhưng tất cả chúng ta - những người sinh ra từ năm 1945 - đều nhận thức rằng chúng ta tri ân những thế hệ đã làm nên cuộc chiến thắng”.
Trong buổi lễ đặt vòng hoa ở Berlin, Tổng thống Đức Steinmeier kêu gọi Liên hiệp châu Âu đoàn kết hơn, vì “tinh thần đoàn kết giúp đánh bại Đức Quốc xã rất cần thiết để giải quyết đại dịch COVID -19 ngày nay”. Ông Steinmeier nói: “Với người Đức chúng tôi - không bao giờ nữa - nghĩa là không bao giờ đơn độc. Nếu chúng ta không cùng nhau giữ gìn châu Âu, kể cả trong và sau đại dịch, thì chúng ta không sống theo tinh thần của ngày chiến thắng” .
VŨ CAO
(Theo New York Times)