.

Tại sao đi máy bay dễ bị lây nhiễm virus gây bệnh COVID-19?

Cập nhật: 07:07, 23/05/2020 (GMT+7)

Đi máy bay trở thành tình huống đặc biệt rủi ro trong thời virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) hoành hành gây đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Hiện chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chỉ rõ sự nguy hiểm hay phân tích cụ thể về khả năng lây lan của virus corona trên máy bay. Nhưng một nghiên cứu được thực hiện từ đại dịch SARS có thể rất đáng để tham khảo.

Bác sĩ Atul Gawande, CEO và cũng là tác giả có nhiều đầu sách ăn khách gần đây cho biết, các nhà nghiên cứu đã đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên vào năm 2003, khi dịch SARS hoành hành tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Để có thể khẳng định hàng loạt nghi vấn liên quan, các nhà nghiên cứu đã xem xét 3 chuyến bay có các trường hợp bệnh nhân SARS được xác nhận trên khoang hành khách.

Chuyến bay đầu tiên dài 90 phút, trên một chiếc Boeing 777 chở 315 hành khách và có 1 người có triệu chứng của bệnh SARS. Không ai trên máy bay bị nhiễm bệnh. Trên chuyến bay thứ 2, với hành trình 3 giờ đồng hồ trên máy bay Boeing 737 và 120 hành khách, 1 người có triệu chứng SARS được cho là đã lây nhiễm thêm cho 22 người khác. Chuyến bay thứ 3 là một hành trình dài 90 phút khác bằng máy bay Boeing 777, có 4 người có triệu chứng SARS khoang hành khách. Trong số 166 hành khách trên chuyến bay đó được lựa chọn phỏng vấn, chỉ có 1 người được xác nhận có các triệu chứng giống SARS sau chuyến bay.

Vậy sự khác biệt giữa các chuyến bay là gì? Tại sao máy bay thứ hai trở thành một “hành trình bệnh dịch”, trong khi các chuyến bay thứ nhất và thứ ba chỉ khiến duy nhất 1 trường hợp lây nhiễm?

Các nhà nghiên cứu đã không đưa ra một kết luận cụ thể nào về vấn đề này. Tuy nhiên, sự khác biệt trong thiết kế của máy bay Boeing 737 và 777 có thể là một yếu tố quan trọng đã góp phần ảnh hưởng tới tỷ lệ lây nhiễm bệnh trong không gian giới hạn của khoang hành khách (Boeing 777 là máy bay dân dụng cỡ đại).

Hành trình của chuyến bay thứ hai kéo dài 3 giờ, cũng gấp đôi hành trình 90 phút của hai chuyến bay 1 và 3, đây cũng nhiều khả năng là yếu tố làm gia tăng khả năng lây nhiễm của bệnh nhân số 0.

Nêu ý kiến trên tạp chí New Yorker, Bác sỹ Gawande lưu ý rằng, thời gian ở cùng không gian với người nhiễm bệnh có thể sẽ tạo ra sự khác biệt lớn về nguy cơ truyền nhiễm virus corona. Theo như cảnh báo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), cần thận trọng với quá trình phơi nhiễm trong khoảng thời gian kéo dài quá 15 phút.

Theo quan sát của bác sỹ Gawande trong các tình huống truyền bệnh thực tế, có những trường hợp riêng biệt, trong những thời điểm đặc biệt có thể khiến quá trình lây nhiễm nguy hiểm hơn bình thường.

Chẳng hạn, trong trường hợp ở tiểu bang Washington, Mỹ vào hồi tháng 3, ca “siêu lây nhiễm” từ một phụ nữ có triệu chứng giống cảm cúm trong một dàn hợp xướng đã khiến 52 người khác trong số 60 thành viên bị nhiễm bệnh.

Như vậy, trong bất cứ trường hợp nào, cho đến khi chúng ta có các bằng chứng chứng minh điều ngược lại, thì nguy cơ lây nhiễm trong những không gian giới hạn, như khoang máy bay là có thật. Và khi hội tụ những yếu tố nhất định, khả năng chỉ 1 bệnh nhân số 0 có khả năng lây nhiễm cho ít nhất 22 người khác, như trên chuyến bay số 2 là hoàn toàn có thể xảy ra.

HOÀNG QUÂN

.
.
.