WB kêu gọi hợp tác toàn cầu đối phó với khủng hoảng lương thực

Thứ Tư, 22/04/2020, 20:38 [GMT+7]
In bài này
.

* Thượng viện Mỹ thông qua gói ngân sách hỗ trợ DN nhỏ

Ngày 22/4, Giám đốc điều hành phụ trách chính sách phát triển của Ngân hàng Thế giới (WB) Mari Pangestu cho rằng, các nước nghèo nhất thế giới phải đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, sự sụt giảm nguồn thu ngoại hối, những hạn chế về xuất khẩu lương thực cũng như sự đổ vỡ của các chuỗi cung ứng.

Trẻ em bị suy dinh dưỡng điều trị tại một trung tâm y tế ở ngoại ô Mogadishu, Somalia.
Trẻ em bị suy dinh dưỡng điều trị tại một trung tâm y tế ở ngoại ô Mogadishu, Somalia.

Phát biểu tại một cuộc họp trực tuyến với các Bộ trưởng Nông nghiệp từ Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), bà Mari Pangestu nhấn mạnh sự cần thiết của hợp tác toàn cầu để đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực và thiếu dinh dưỡng tại các nước dễ bị tổn thương nhất.

Bà Mari Pangestu cho rằng cần “nới lỏng các biện pháp hạn chế xuất khẩu và tránh các hàng rào nhập khẩu không cần thiết và tăng cường các kho dự trữ”. Bà Mari Pangestu cũng cho biết thêm, việc sản xuất và dự trữ lúa gạo toàn cầu đang ở mức cao và việc đặt ra những hạn chế là không cần thiết.

Trong cuộc họp trực tuyến nói trên, Bộ trưởng An ninh Lương thực của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Mariam bint Mohammed Almheiri đã hối thúc các nước hợp tác để duy trì các chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 làm gián đoạn hoạt động của ngành nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm.

Bộ trưởng Mohammed Almheiri nêu rõ: “Trách nhiệm của chúng ta là phải tuân thủ những khuyến nghị của các tổ chức quốc tế có chuyên môn, bao gồm cả Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), những tổ chức này đã khuyến cáo tránh việc hạn chế xuất khẩu lương thực”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp và Lương thực các nước G20 cũng đã nhất trí rằng các biện pháp khẩn cấp nhằm chống lại sự lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 không được tạo ra “những rào cản không cần thiết đối với hoạt động thương mại cũng như phá vỡ chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu”.

Theo tuyên bố chung, bộ trưởng các nước G20 cũng cho biết sẽ tránh mọi biện pháp có thể dẫn tới sự bất ổn trầm trọng về giá lương thực trong các thị trường toàn cầu cũng như đe dọa tới chuỗi cung ứng lương thực. Tuyên bố nêu rõ: “Dưới tình hình thách thức hiện nay, chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tránh lãng phí lương thực gây ra do những trở ngại trong chuỗi cung ứng lương thực, tạo ra tình trạng thiếu an ninh lương thực, nguy cơ suy dinh dưỡng và tổn thất về kinh tế”.

* Ngày 22/4, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật trị giá khoảng 484 tỷ USD nhằm hỗ trợ DN nhỏ, bệnh viện cũng như thúc đẩy công tác xét nghiệm trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tàn phá hầu hết các lĩnh vực kinh tế quan trọng của Mỹ.

Dự luật được thông qua trong một cuộc bỏ phiếu bằng giọng nói sau nhiều ngày đàm phán giữa các nhà lập pháp đảng Dân chủ tại Quốc hội và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.

Theo đó, dự luật gồm ngân sách bổ sung 310 tỷ USD cho Chương trình bảo vệ tiền lương, trong đó có 60 tỷ USD dành riêng cho ngân hàng cộng đồng và các nhà cho vay nhỏ, cũng như 75 tỷ USD cho các bệnh viện, 25 tỷ USD cho xét nghiệm và 60 tỷ USD cho các khoản vay và trợ cấp thảm họa khẩn cấp.

Việc Thượng viện Mỹ thông qua dự luật diễn ra chỉ vài giờ sau khi một quan chức cấp cao chính quyền Tổng thống Donald Trump cho biết đã đạt được thỏa thuận sau nhiều ngày đàm phán về một số bất đồng, trong đó có vấn đề xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

Trong khi đảng Dân chủ muốn thúc đẩy vai trò liên bang trong việc giám sát và phối hợp xét nghiệm và tạo ra một chiến lược quốc gia cụ thể, đảng Cộng hòa đã phản đối nỗ lực trên khi Tổng thống Trump cho rằng các bang cần phải chủ động trong vấn đề này.

Dự kiến dự luật sẽ dễ dàng được thông qua tại Hạ viện vào ngày 23/4 khi các nghị sĩ quay trở lại làm việc và sẽ được Tổng thống Trump ký ban hành sau đó.

Tổng thống Mỹ trước đó cho biết, đã kêu gọi lưỡng viện Quốc hội thông qua dự luật với sự bổ sung ngân sách cho Chương trình bảo vệ tiền lương (PPP), các bệnh viện và xét nghiệm, đồng thời cho biết ngay sau khi ký dự luật, ông sẽ bắt đầu thảo luận về dự luật giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 giai đoạn 4, trong đó sẽ có các khoản trợ giúp nhiều hơn cho các tiểu bang và chính quyền địa phương, cơ sở hạ tầng, ưu đãi thuế và cắt giảm thuế.

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ, Quốc hội Mỹ đã thông qua 3 dự luật cứu trợ kinh tế, trong đó có gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử của Mỹ trị giá hơn 2.000 tỷ USD nhằm hỗ trợ người dân, DN nhỏ và các ngành công nghiệp đang phải chống chọi với sự gián đoạn kinh tế do dịch.

Dự luật đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tập trung vào các quan cơ y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch, trong khi dự luật thứ 2 trị giá 104 tỷ USD được Tổng thống Trump ký ban hành ngày 18/3 nhằm hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp, xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng.

ĐỨC ANH (Tổng hợp)

;
.