●Bộ Quốc phòng Mỹ gia hạn chỉ thị hạn chế đi lại đến hết ngày 30/6
●Hai bang ở Đức bắt buộc đeo khẩu trang khi đi giao thông công cộng
Ngày 19/4, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã đưa ra cảnh báo về việc hàng triệu người ở 21 quốc gia Tây và Trung Phi đang phải đối mặt với nguy cơ về một thảm họa nhân đạo, là hệ quả trực tiếp của xung đột vũ trang và đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Abidjan, Cote d’Ivoire ngày 25/3/2020 |
Hiện tại, khu vực Tây và Trung Phi đang chứng kiến những dòng người tị nạn khổng lồ. Khoảng 9 triệu người đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa do xung đột và biến đổi khí hậu. UNHCR nhận định sự lây lan ngày càng rộng của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 ở châu Phi sẽ làm trầm trọng thêm thảm họa nhân đạo tại khu vực này. Cho đến nay, các quốc gia thuộc Tây và Trung Phi đã ghi nhận khoảng 5.000 ca nhiễm, trong đó hơn 100 người đã tử vong.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, hiện trong dòng người tị nạn chưa ghi nhận ca nhiễm nào nhưng điều này có thể thay đổi trong thời gian tới. Sự thiếu thốn về cơ sở hạ tầng y tế, cộng với điều kiện kinh tế khó khăn sẽ ngăn cản nỗ lực của các quốc gia Tây và Trung Phi trong đối phó với dịch bệnh.
Các chuyên gia và nhân viên của UNHCR đang tăng cường các hoạt động trên khắp khu vực Tây và Trung Phi để hỗ trợ dòng người tị nạn. UNHCR kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường trợ giúp cho những cộng đồng dễ tổn thương.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các hoạt động viện trợ nhân đạo trong khu vực đang đối mặt với nhiều trở ngại vì xung đột vũ trang và việc các nước thực thi lệnh giới nghiêm, đóng cửa một phần biên giới.
*Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 19/4 cho biết, sẽ gia hạn chỉ thị hạn chế đi lại cho đến hết ngày 30/6 nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, nhưng sẽ cho phép thực hiện một số hoạt động tái triển khai lực lượng và đưa về nước những quân nhân phục vụ tại nước ngoài. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Matthew Donovan cho hay chỉ thị mới này sẽ có hiệu lực vào ngày 20/4 tới.
Trước đó, nhằm chặn đứng đà lây lan của virus SARS-CoV-2 trong các lực lượng vũ trang Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Mark Esper hồi cuối tháng 3 đã chỉ thị tạm dừng tất cả việc đi lại đối với các quân nhân và công nhân viên quốc phòng, cũng như các thành viên gia đình của họ. Chỉ thị này sẽ hết hạn trong tháng 5.
*Tại Đức, bang Sachsen và Mecklenburg-Vorpommern là 2 bang đầu tiên quy định phải đeo khẩu trang khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Quy định trên sẽ được bắt đầu áp dụng từ ngày 20/4 ở bang Sachsen, trong khi bang Mecklenburg-Vorpommern yêu cầu đeo khẩu trang từ ngày 27/4. Ngoài ra, bang Sachsen còn quy định phải đeo khẩu trang, kể cả khẩu trang thường, khi vào các cửa hàng.
Ngoài 2 bang trên, một số thành phố ở các bang khác của Đức cũng đã yêu cầu tương tự. Thành phố Jena thuộc bang Thüringen yêu cầu đeo khẩu trang khi đi siêu thị, khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng và trong các tòa nhà công.
Mới đây nhất, thành phố Wolfsburg thuộc bang Niedersachsen cũng quy định bắt buộc đeo khẩu trang từ ngày 20/4 khi vào các cửa hàng, các tòa nhà công, phòng khám, cơ sở y tế và khi đi xe buýt, trừ trẻ em dưới 6 tuổi.
Thủ tướng Đức Angela Merkel trước đó cũng khuyến cáo mọi người nên đeo khẩu trang khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng hay khi vào các cửa hàng. Tuy nhiên, đây chưa phải là quy định bắt buộc do hiện Đức vẫn đang thiếu khẩu trang, không đủ cung cấp cho mọi người dân. Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier, Đức cần có hàng tỷ khẩu trang trong vòng vài tháng, từ loại thường đến các khẩu trang đặc biệt cho nhân viên y tế.
ĐỨC ANH (Tổng hợp)