●Tổng thống Trump lên kế hoạch mở cửa nền kinh tế Mỹ theo 3 giai đoạn
Ngày 17/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tổ chức một hội nghị trực tuyến với các lãnh đạo khác của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia và Nhật Bản. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang nỗ lực chấm dứt tình trạng tê liệt kinh tế do dịch bệnh COVID-19 gây ra.
Cuộc họp trực tuyến của nhóm G7. |
Tại hội nghị, Nhà Trắng cho biết, lãnh đạo nhóm G7 đã nhất trí phối hợp để tái mở cửa nền kinh tế của các nước thành viên sau đại dịch và bảo đảm “các chuỗi cung ứng đáng tin cậy” trong tương lai.
Nhà Trắng khẳng định, các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí duy trì cam kết triển khai mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm một sự phản ứng mạnh mẽ và có tính phối hợp trên toàn cầu đối với tình hình khủng hoảng y tế hiện nay cũng như thảm họa liên quan đến kinh tế và nhân đạo, nhằm mục tiêu phục hồi bền vững.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thảo luận về Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Lãnh đạo các nước G7 đã lên tiếng yêu cầu “xem xét và cải tổ triệt để” cơ quan này. Mặc dù vậy, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn lên tiếng ủng hộ và cam kết sẽ hỗ trợ WHO. Thủ tướng Merkel nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 chỉ có thể được khắc phục bằng một phản ứng quốc tế mạnh mẽ và sự phối hợp.
Chính vì vậy, bà Merkel khẳng định Đức sẽ hỗ trợ đầy đủ cho WHO cũng như đối tác khác như Liên minh vaccine CEPI (Liên minh Sáng kiến phòng chống dịch bệnh) và Liên minh vaccine toàn cầu GAVI.
Trước đó, WHO cũng đã nhận được sự ủng hộ từ 23 quốc gia tại một hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng Ngoại giao với chủ đề hợp tác quốc tế phòng chống dịch COVID-19 trong khuôn khổ Liên minh vì Chủ nghĩa đa phương, do Đức khởi xướng. Tại hội nghị này, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng, WHO vẫn là “xương sống của cuộc chiến đấu chống lại đại dịch toàn cầu”. Ông đã tái khẳng định sự hỗ trợ của mình đối với WHO.
Trước đó, Tổng thống Trump hôm 14/4 đã quyết định ngừng cấp ngân sách và yêu cầu làm rõ những sai sót của WHO trong việc đối phó với đại dịch COVID-19. Động thái của Tổng thống Trump đã vấp phải sự phản đối từ Liên hợp quốc, Nga, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU) và tỷ phú Bill Gates, nhà ủng hộ lớn cho WHO thông qua quỹ từ thiện của mình.
●Truyền thông Mỹ ngày 17/4 đã đưa tin về những đường lối chỉ đạo của Tổng thống Donald Trump đối với kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế theo 3 giai đoạn, trong đó có thể cho phép một số bang của Mỹ bắt đầu dỡ bỏ các quy định hạn chế ngay trong tháng này.
Trong giai đoạn đầu, các địa điểm như nhà hàng và rạp chiếu phim có thể hoạt động trở lại cùng với quy định giãn cách xã hội chặt chẽ.
Ở giai đoạn 2, việc hạn chế hoạt động đi lại không thiết yếu có thể được dỡ bỏ và các trường học có thể mở cửa trở lại.
Trong giai đoạn 3, những người trong nhóm dễ bị tổn thương sức khỏe có thể tương tác trở lại với cộng đồng.
Theo các báo, Tổng thống Trump đã cho phép một số bang nới lỏng phong tỏa từ ngày 1/5 hoặc sớm hơn.
Trước đó, ông Trump khẳng định các dữ liệu trên toàn quốc cho thấy Mỹ dường như đã vượt qua được đỉnh điểm của dịch COVID-19 nên nền kinh tế có thể mở cửa trở lại.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã lên tiếng kêu gọi chính phủ các nước trên thế giới cần triển khai các biện pháp cấp bách để hạn chế thiệt hại kinh tế do COVID-19 gây ra. Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến với giới chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ trưởng Mnuchin nhấn mạnh các nước thành viên cần phải triển khai những biện pháp tài chính và tiền tệ “đặc biệt” để ngăn chặn hậu quả mà đại dịch COVID-19 gây ra và hạn chế những thiệt hại trong dài hạn.
Ông Mnuchin khẳng định, tất cả các nước phải sẵn sàng đẩy nhanh và mở rộng các biện pháp chính sách khi tình hình diễn biến phức tạp. Cũng trong phát biểu của mình, ông Mnuchin cho rằng nhu cầu tại các quốc gia thu nhập thấp trong cuộc khủng hoảng y tế hiện nay cũng đặc biệt lớn.
Thậm chí ngay cả khi Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cam kết giãn nợ cho 76 quốc gia nghèo nhất thế giới, việc tài trợ khẩn cấp của IMF và WB đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ các nước này.
Theo ông Mnuchin, Chính phủ Mỹ đang xem xét đóng góp cho 2 trong số các quỹ khẩn cấp, vốn phụ thuộc vào việc đóng góp của các nước thành viên, để cung cấp hỗ trợ các nước nghèo nhất thế giới.
Trước đó, Chính phủ Mỹ đã ban hành gói cứu trợ kinh tế trị giá hơn 2.000 tỷ USD để hỗ trợ các ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh như các hãng hàng không. IMF ước tính các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã “bơm” 8.000 tỷ USD để giải cứu thị trường.
ĐỨC ANH (Tổng hợp)