● Tổng thống Donald Trump chỉ thị tạm ngừng tài trợ WHO ● Kinh tế Anh có thể rơi vào suy thoái sâu nhất trong 300 năm
Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước thuộc Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 15/4 đã tái khẳng định sự phối hợp chặt chẽ trong cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và làm giảm bớt những tác động của dịch bệnh.
Các cửa hàng tại London phải đóng cửa do dịch COVID-19. |
Trong tuyên bố chung được Bộ Tài chính Mỹ công bố sau cuộc họp trực tuyến, các quan chức nêu rõ: “Quy mô của cuộc khủng hoảng y tế này đang tạo ra những thách thức chưa từng có đối với nền kinh tế toàn cầu. Các bộ trưởng và thống đốc tái khẳng định cam kết sẽ làm mọi cách để khôi phục tăng trưởng kinh tế và bảo vệ việc làm, DN cũng như sự đàn hồi của hệ thống tài chính”. Các quan chức cam kết sử dụng “mọi công cụ chính sách có thể” để đạt được tăng trưởng bền vững, cân bằng và toàn diện.
Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G7 cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với những biện pháp mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và các ngân hàng phát triển khu vực đưa ra nhằm tăng cường các bộ công cụ cung cấp tài chính linh hoạt và nhanh chóng để đối phó với khủng hoảng.
G7 cũng tuyên bố sẽ ủng hộ việc tạm thời ngưng thanh toán nợ cho những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, song chỉ khi các chính phủ của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cũng chấp thuận.
Trong tuyên bố, G7 nhấn mạnh những nước nghèo đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nhất trong việc ứng phó với dịch COVID-19, do đó các thành viên của G7 sẵn sàng tạm hoãn việc thanh toán nợ, nếu như có sự đồng ý của toàn bộ các chủ nợ chính thức trong G20 và như đã nhất trí với Câu lạc bộ Paris.
● Ngày 15/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, ông đã chỉ thị tạm ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tổng thống Trump cho biết, WHO đã “thất bại trong chính nhiệm vụ cơ bản của mình và cần phải chịu trách nhiệm”.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã tuyên bố Mỹ đang tìm cách “thay đổi căn bản” Tổ chức Y tế Thế giới. Ngoại trưởng Pompeo cho biết: “Trong lịch sử, WHO đã thực hiện tốt một số công việc. Thật không may trong trường hợp này, tổ chức này đã không thể hiện tốt vai trò của mình”.
Ông Pompeo cũng đồng thời khẳng định Mỹ cần bảo đảm thúc đẩy những nỗ lực để thay đổi căn bản điều đó hoặc đưa ra một quyết định khác cho thấy Mỹ đang làm phần việc của mình để bảo đảm những nghĩa vụ y tế thế giới quan trọng này - những điều cũng giúp giữ vững sự an toàn cho người dân Mỹ - thực sự hoạt động.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên chỉ trích WHO đã quá tin tưởng vào thông tin do Bắc Kinh cung cấp sau khi virus SARS CoV-2 xuất hiện vào cuối năm ngoái tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc.
● Cơ quan dự báo ngân sách của Anh ngày 15/4 cho biết, kinh tế Anh có thể giảm tới 13% trong năm 2020 do các biện pháp phong tỏa hiện nay của chính phủ để chống dịch COVID-19. Đây sẽ là mức suy thoái sâu nhất của Anh trong 3 thế kỷ và dự kiến mức nợ công sẽ vượt quá mức cao của giai đoạn hậu thế chiến thứ 2.
Theo Văn phòng Trách nhiệm ngân sách Anh (OBR), chỉ tính riêng trong quý II/2020, sản lượng kinh tế nước này có thể giảm tới 35%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng hơn gấp đôi, lên mức 10%. Tuy nhiên, sự bật nảy có thể trở lại vào cuối năm nay nếu các biện pháp phong tỏa nhằm làm chậm sự lây lan của dịch được dỡ bỏ.
Mặc dù vậy, OBR nhấn mạnh đây không phải dự báo chính thức, do thiếu sự rõ ràng về thời gian phong tỏa của chính quyền vốn được dự kiến có thể kéo dài tới 3 tháng, tiếp đó là việc dỡ bỏ 1 phần trong 3 tháng nữa.
Cũng trong ngày 15/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Anh sẽ giảm 6,5% trong năm 2020, tương tự mức sụt giảm của các nền kinh tế khác, trước khi tăng trưởng 4% trong năm 2021. Tuy nhiên, triển vọng tài chính công của Anh vẫn tương đối ảm đạm.
Theo OBR, thiệt hại về doanh thu từ thuế cũng như kế hoạch chi tiêu lớn của chính phủ Anh đồng nghĩa thâm hụt ngân sách có thể lên tới 273 tỷ bảng Anh (tương đương 342 tỷ USD, trong năm thuế 2020-2021, gấp 5 lần ước tính trước đó. Con số này cũng tương đương 14% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn mức 10% của năm từng xảy ra sau cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2007.
Anh đã dần hạ thấp mức thâm hụt xuống khoảng 2% sau khoảng một thập kỷ cắt giảm chi tiêu trong nhiều lĩnh vực dịch vụ công.
Theo OBR, nợ ròng khu vực công tại Anh có thể vượt quá 100% GDP trong tài khóa 2020-2021 nhưng sẽ dừng ở mức khoảng 95% GDP.
Trước khi chính phủ Anh phong tỏa nền kinh tế từ hôm 20/3 để làm chậm sự lây lan của dịch COVID-19, OBR dự báo nợ công tại Anh sẽ tương đương 77% GDP trong tài khóa 2020-2021.
OBR cảnh báo triển vọng ngắn và trung hạn của kinh tế và lĩnh vực tài chính công của Anh sẽ tồi tệ hơn nhiều nếu không có phản ứng tài chính và tiền tệ từ chính phủ.
ĐỨC ANH (Tổng hợp)