EU đề xuất hỗ trợ 15 tỷ euro giúp các nước nghèo chống dịch
* ECB nới lỏng quy định cho vay chưa từng có
Ngày 8/4, Liên minh châu Âu (EU) đề xuất 15 tỷ euro (16,4 tỷ USD) để giúp các nước nghèo trên thế giới chống đại dịch COVID-19 đang tác động tới mọi mặt của cuộc sống.
Y tá đo thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Nairobi, Kenya, ngày 18/3/2020. |
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, số tiền trên sẽ giúp các nước có hệ thống chăm sóc y tế nghèo nàn phần nào khắc phục những tác động do dịch bệnh COVID-19 gây ra cũng như phục hồi kinh tế lâu dài.
Cùng ngày, Chủ tịch nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro (Eurozone) Mario Centeno đã kêu gọi kế hoạch cứu trợ lớn trong bối cảnh các nước thành viên tranh cãi về các giải pháp cần thiết tái thiết nền kinh tế đang rơi vào tình trạng “kiệt sức”. Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với các đối tác, ông Centeno, đồng thời là Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha, nói: “Hôm nay tôi triệu tập các bộ trưởng tài chính EU để cùng đưa ra phản ứng mạnh mẽ trước đại dịch COVID-19 hiện nay”.
Ông khẳng định sẽ kêu gọi 27 nước thành viên EU cùng đưa ra cam kết rõ ràng cho một kế hoạch phục hồi quy mô và hợp tác. Ông Centeno nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta đều biết đây không phải lúc để kinh doanh như bình thường. Chúng ta phải thể hiện cho những công dân của chúng ta biết rằng châu Âu sẽ bảo vệ họ”.
Tuy nhiên, vấn đề này vẫn đang gây tranh cãi giữa các nước thành viên khi Italia và Tây Ban Nha kêu gọi tất cả các nước thành viên EU huy động hàng chục tỷ euro để hỗ trợ cho kế hoạch phục hồi “khổng lồ”.
Đức và Hà Lan phản ứng thận trọng hơn bằng cách đề xuất sử dụng quỹ cứu trợ hiện nay của Eurozone còn gọi là Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) và cung cấp khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ hơn thông qua Ngân hàng Đầu tư châu Âu.
Ngày 7/4, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo sẽ nới lỏng các quy định về thế chấp tài sản, một quyết định “chưa từng có” nhằm thúc đẩy vay vốn ngân hàng trong cuộc khủng hoảng do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Gói biện pháp trên của ECB được đưa ra nhằm “giảm thiểu việc thắt chặt các điều kiện tài chính trên toàn khu vực đồng euro”, trong đó chấp nhận việc sử dụng các khoản vay từ các công ty nhỏ, cũng như trái phiếu chính phủ Hy Lạp làm tài sản thế chấp.
Cụ thể, ECB sẽ chấp nhận các khoản vay “có chất lượng tín dụng thấp hơn” và các khoản vay ngoại tệ. ECB nêu rõ tài sản thế chấp sẽ được chấp nhận dưới hình thức các khoản vay được chính phủ bảo lãnh cho các công ty vừa và nhỏ, người dân và hộ gia đình tự làm chủ. Ngoài ra, lần đầu tiên trong gần 2 năm qua, ECB chấp nhận việc thế chấp trái phiếu chính phủ Hy Lạp - thường bị đánh giá ở mức “không đáng đầu tư” và rủi ro cao.
Hội đồng quản trị ECB cũng đồng ý “tăng mức độ chấp nhận rủi ro” bằng cách chấp nhận cắt giảm số lượng tài sản thế chấp cần thiết để tái cấp vốn, tạo điều kiện cho các ngân hàng vay vốn với lãi suất cực thấp mà ECB ấn định.
Trong thông báo, Hội đồng quản trị ECB cho biết các quy định về thế chấp tài sản nêu trên là “chưa từng có” và chỉ mang tính “tạm thời” trong thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19.
Trước những tác động của đại dịch COVID-19 gây ra đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung và châu Âu nói riêng, hồi tháng trước, ECB đã tung ra chương trình khẩn cấp mua trái phiếu trị giá lên tới 750 tỷ euro đến hết năm 2020 nhằm thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư trong khu vực.
ECB cũng cam kết hỗ trợ mọi công dân khu vực đồng euro vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, đồng thời sẽ bảo đảm để mọi thành phần (các hộ gia đình, các công ty, ngân hàng hay các chính phủ) có thể hưởng lợi từ các điều kiện hỗ trợ tài chính để giảm cú sốc do dịch bệnh gây ra.
ĐỨC ANH (Tổng hợp)