Nhiều tổ chức quốc tế kêu gọi giãn nợ cho các nước nghèo
●WHO lo ngại thế giới đang thiếu gần 6 triệu y tá ●Fed sẽ hỗ trợ gói cho vay trị giá 349 tỷ USD với DN nhỏ ●Italia thông qua gói thanh khoản 750 tỷ euro hỗ trợ DN
Ngày 7/4, gần 140 nhóm hành động và các tổ chức từ thiện đã cùng kêu gọi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), các chính phủ thuộc Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cùng các chủ nợ tư nhân cho các nước nghèo nhất thế giới hoãn thanh toán nợ để có thể vượt qua cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Các nhân viên y tế nghiên cứu mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân COVID-19 tại Trung Quốc. |
Lời kêu gọi trên, do nhóm hành động Jubilee Debt dẫn đầu, đưa ra chỉ một ngày trước cuộc họp dự kiến của G20 về việc hỗ trợ các nước đang phát triển đối phó với COVID-19. Các nhóm và tổ chức trên đã kêu gọi hoãn ngay lập tức việc thanh toán nợ của 69 quốc gia nghèo trong hết năm 2020, ước tính vào khoảng 25 tỷ USD, hoặc lên tới 50 tỷ USD nếu được gia hạn cho năm 2021. Bên cạnh đó, chiến dịch còn kêu gọi thực thi giãn nợ hoặc hỗ trợ tài chính bổ sung không đi kèm các điều kiện về chính sách kinh tế, trong đó có “thắt lưng buộc bụng”, cũng như kêu gọi G20 rút lại các quy định khẩn cấp nhằm không để các chủ nợ tư nhân kiện các nước nghèo hơn.
Theo lý giải của Giám đốc Chiến dịch Nợ Jubilee Sarah-Jayne Clifton, các nước đang phát triển đang hứng chịu một cú sốc kinh tế chưa từng có, trong khi vẫn đang phải đối mặt với tình trạng y tế khẩn cấp.
Hiện các chính phủ cũng như các thể chế lớn đã thúc đẩy một số biện pháp mà các nhóm trên kêu gọi. Theo đó, IMF đang cung cấp 50 tỷ USD trích từ các quỹ tài chính khẩn cấp và WB cũng đã phê duyệt gói đối phó COVID-19 trị giá 14 tỷ USD. Tuy nhiên, các nhóm hành động và các tổ chức từ thiện cũng nhắc lại quan ngại của các chính phủ châu Phi rằng động thái trên là vẫn chưa đủ. Trong một đề xuất đưa ra trước thềm cuộc họp của G20, Ethiopia cho rằng riêng châu Phi có thể cần tới 150 tỷ USD hỗ trợ. Trong số 69 quốc gia thu nhập thấp có tới ít nhất 45 nước yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp chỉ để vượt qua năm 2020 đầy thách thức này.
*Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo thế giới đang cần gần 6 triệu y tá, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu.
Trong báo cáo công bố ngày 7/4, WHO cùng các đối tác là tổ chức Nursing Now và Hội đồng điều dưỡng quốc tế (ICN) cho biết, hiện trên thế giới có khoảng 28 triệu y tá, sau khi bổ sung 4,7 triệu y tá trong 5 năm tính đến năm 2018. Tuy nhiên, thế giới vẫn đang thiếu 5,9 triệu y tá, đặc biệt ở những nước nghèo thuộc khu vực châu Phi, Đông Nam Á, Trung Đông và Nam Mỹ. Báo cáo kêu gọi các chính phủ tăng cường đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điều dưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới.
Bà Mary Watkins thuộc Nursing Now, đồng tác giả báo cáo trên cho rằng, nhiều nước giàu không đào tạo đủ y tá để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong nước, phải phụ thuộc vào lực lượng lao động nhập cư, khiến tình trạng thiếu hụt y tá ở các nước nghèo trở nên nghiêm trọng hơn. Bà Watkins nêu rõ, 80% số y tá trên toàn cầu chỉ phục vụ cho 50% dân số thế giới. Đề cập đến tình hình dịch bệnh COVID-19, bà kêu gọi khẩn trương thực hiện việc xét nghiệm cho các nhân viên y tế vì có một số lượng lớn nhân viên y tế không đi làm do lo sợ họ đã bị mắc bệnh và có thể lây nhiễm cho người khác, dẫn tới tình trạng càng thiếu hụt đội ngũ y tá, điều dưỡng.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp trực tuyến, người đứng đầu ICN Howard Catton cảnh báo rằng, tỷ lệ bệnh nhân tử vong tại những nước thiếu y tá đều cao hơn so với những nước khác.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus coi đội ngũ y tá là “xương sống” của hệ thống y tế. Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, ông Ghebreyesus cho biết, các y tá đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 và họ cần nhận được sự hỗ trợ cần thiết để có thể tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình.
*Ngày 7/4, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết sẽ hỗ trợ chương trình cho vay trị giá 349 tỷ USD của chính phủ đối với DN nhỏ đã bắt đầu được triển khai vào ngày 3/4.
Fed sẽ mua các khoản vay mà các ngân hàng cấp cho các DN nhỏ như một phần của chương trình mà các ngân hàng và Cục quản lý DN nhỏ đã thực hiện và nằm trong gói cứu trợ kinh tế 2.200 tỷ USD.
Các khoản vay này có thể được miễn nếu được chi cho việc trả lương để khuyến khích các DN tiếp tục trả lương cho nhân viên hay tuyển dụng lại những lao động mà họ cho nghỉ gần đây.
*Ngày 7/4, Chính phủ Italia đã thông qua gói thanh khoản 750 tỷ euro nhằm hỗ trợ các DN trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến phức tạp, trong đó huy động 200 tỷ euro hỗ trợ các DN và 200 tỷ euro hỗ trợ hoạt động xuất khẩu.
Chính phủ nước này đã nhất trí thỏa thuận về gói thanh khoản trị giá trên 750 tỷ euro để hỗ trợ các DN, theo đó sẽ huy động thêm 400 tỷ euro vào gói hỗ trợ 350 tỷ euro theo sắc lệnh Cura Italia.
Theo sắc lệnh thanh khoản hỗ trợ các DN, Chính phủ Italia sẽ huy động 200 tỷ euro để giúp các DN có thể vay vốn với mức bảo đảm lên tới 90%, và không giới hạn doanh thu. Ngoài ra, vai trò của Dịch vụ bảo hiểm thương mại (Sace) cũng được tăng cường trong lĩnh vực sản xuất nhằm hỗ trợ hoạt động quốc tế hóa các DN.
ĐỨC ANH (Tổng hợp)