●Các DN nhỏ tại Mỹ nộp đơn vay 5,4 tỷ USD từ gói cứu trợ
Trong khi Mỹ, Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác đã tung ra các kế hoạch tài chính “khổng lồ” để ứng phó khủng hoảng kinh tế do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, châu Âu dường như “đứng ngoài cuộc” do sự bất đồng quan điểm trong nội bộ của liên minh này.
Bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị tại bệnh viện dã chiến ở Madrid, Tây Ban Nha ngày 3/4. |
Hiện tại, 27 quốc gia thành viên EU đang ứng phó dịch COVID-19 với các kế hoạch chi tiêu riêng, trong đó các nước giàu như Đức và Hà Lan có thể thực hiện các gói chi tiêu lớn, song những nước có gánh nợ lớn như Tây Ban Nha và Italia lại đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 và không có đủ nguồn lực tài chính.
Để chia sẻ “gánh nặng” trên tốt hơn, các nước EU đang đưa ra một số đề xuất, song sự bất đồng xảy ra khi một vài quốc gia ở khu vực phía Bắc Âu không ủng hộ lời kêu gọi xây dựng ngân sách chung và đi vay để giúp tái thiết nền kinh tế.
Trong các đề xuất được đưa ra trước thềm cuộc họp ứng phó khủng hoảng của các bộ trưởng tài chính EU, dự kiến diễn ra vào ngày 7/4 tới, Italia và Tây Ban Nha, với sự ủng hộ của Pháp và một vài nước khác, đang kêu gọi kiến tạo một công cụ tài chính thông qua một khoản vay chung của tất cả 19 quốc gia thành viên khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).
Những công cụ này - đôi khi được gọi là “trái phiếu Corona” - sẽ gom lại các khoản vay của các nước thành viên Eurozone để khắc phục các khó khăn kinh tế do dịch COVID-19 và trong một khoảng thời gian được giới hạn.
Sự tương hỗ về nợ của các nước châu Âu từ lâu đã là mục tiêu của các quốc gia “nặng nợ” ở khu vực Nam Âu như Italia, song không nhận được sự tán thành của các nước ở phía Bắc Âu.
Các quốc gia thành viên EU có mức nợ được coi là an toàn nhất, dẫn đầu là Đức, luôn từ chối hỗ trợ các quốc gia được coi là “thiếu kỷ luật” về vấn đề tài chính. Bất chấp những đề xuất của Italia và Tây Ban Nha, quan điểm này của Đức rất khó thay đổi. Trong khi đó, như một sự nhân nhượng, Đức sẵn sàng chuyển sang sử dụng Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM), được tạo ra vào năm 2012 trong cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone để giúp các quốc gia thành viên gặp khó khăn về tài chính.
Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz Scholz ngày 3/4 cho hay, đề xuất của ông là “sử dụng các công cụ hiện có một cách nhanh chóng và hiệu quả” với một kế hoạch gồm 3 giai đoạn dựa trên ESM, Ngân hàng Đầu tư châu Âu và tái bảo hiểm thất nghiệp ở quy mô EU. Với nguồn vốn khoảng 420 tỷ euro, ESM cung cấp tín dụng cho các quốc gia gặp khó khăn tài chính song đổi lại họ phải thực hiện các biện pháp thắt chặt chi tiêu và cải cách - như trường hợp của Hy Lạp.
Tại một hội nghị thượng đỉnh cách đây khoảng 2 tuần, Italia và Tây Ban Nha đã từ chối đề xuất này vì không đồng tình với điều kiện kèm theo là phải chấp nhận sự giám sát chính sách đối ngoại, nhất là trong một cuộc khủng hoảng y tế không phải do họ gây ra. Ông Scholz nhấn mạnh rằng, sẽ không có bất kỳ điều kiện “không cần thiết” nào kèm theo các khoản tín dụng của ESM như trước đây.
●Chính quyền Tổng thống Donald Trump cho biết, các DN nhỏ của Mỹ đã nộp đơn vay 5,4 tỷ USD, sau khi chương trình cứu trợ do Chính phủ Mỹ ban hành bắt đầu có hiệu lực nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trên trang mạng Twitter, lãnh đạo Cục Quản lý DN nhỏ (SBA) liên bang Jovita Carranza cho biết 17.503 công ty có quy mô nhân sự khoảng 500 nhân viên, đã nộp đơn xin vay tiền thông qua các ngân hàng địa phương với tổng giá trị 5,4 tỷ USD.
Các khoản vay nói trên là một trọng tâm trong gói cứu trợ trị giá 2,2 ngàn tỷ USD đã được Quốc hội Mỹ thông qua và Tổng thống Trump ký ban hành thành luật vào ngày 27/3.
Số tiền vay nói trên nhằm hỗ trợ hàng trăm ngàn nhà hàng, tiệm làm tóc và các DN vừa và nhỏ khác để trả lương và tiền thuê cơ sở kinh doanh trong 8 tuần, tạo điều kiện để họ không sa thải nhân viên trong thời gian đóng cửa bắt buộc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.
Phát biểu trong chương trình Fox Business Network, Bộ Trưởng Tài chính Steven Mnuchin nhấn mạnh: “Nếu chúng tôi hết tiền, chúng tôi sẽ trở lại Quốc hội và sẽ nhận được thêm tiền. Đây là một chương trình tuyệt vời với sự đồng thuận của lưỡng đảng”.
Hầu hết các đơn xin vay tiền đã được nộp cho các ngân hàng địa phương, trong đó có các ngân hàng lớn nhất của Mỹ, trong đó có JPMorgan Chase. Các ngân hàng này cho hay họ đang gặp nhiều khó khăn trong khâu thực hiện chương trình cứu trợ và đang đợi hướng dẫn từ chính phủ.
Trong khi đó, Bộ trưởng Mnuchin lưu ý rằng ông sẽ làm việc với giám đốc điều hành các ngân hàng chủ chốt để tháo gỡ những vướng mắc và hy vọng các ngân hàng lớn nhất của Mỹ sẽ tham dự cuộc gặp trong tuần tới.
Ông Mnuchin cũng nói rằng việc chuyển tiền tới các hộ gia đình sẽ bắt đầu trong vòng 2 tuần nữa, nhanh hơn so với dự kiến trước đó là 3 tuần. Một gia đình 4 thành viên có thể nhận được khoản trợ cấp lên tới 3.000 USD trong gói cứu trợ 2,2 ngàn tỷ USD.
Theo báo cáo công bố ngày 3/4 của Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế nước này đã mất 701.000 việc làm trong tháng 3 vừa qua sau khi nhiều nhà máy, DN, cơ sở kinh doanh, dịch vụ... phải đóng cửa do tác động của dịch bệnh COVID-19. Tỷ lệ thất nghiệp tại nền kinh tế số một thế giới hiện tăng lên mức 4,4%.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng này cũng ghi nhận mức tăng cao nhất tính theo tháng trong hơn 45 năm qua. Tuy nhiên, Bộ Lao động Mỹ thừa nhận các chuyên gia của bộ không thể xác định chính xác tác động của dịch COVID-19 đối với thị trường việc làm trong tháng vừa qua.
Trước đó, ngày 1/4, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở nước này trong quý II/2019 sẽ vượt 10%, cao hơn đáng kể so với dự báo hiện tại của cơ quan này là 3,5%.
ĐỨC ANH (Tổng hợp)