Từ nhiều năm qua, Argentina đã trở thành một trong những trung tâm mua bán cocain, cần sa và các loại chất gây nghiện khác ở Nam Mỹ. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 lan tràn khắp hành tinh, các quốc gia đồng loạt đóng cửa biên giới để ngăn ngừa lây nhiễm thì các con đường vận chuyển, cung cấp ma túy cũng bị khóa. Đây là cơ hội để Argentina xóa sổ những băng nhóm tội phạm ở nước này…
Một bệnh viện dã chiến điều trị cho người nhiễm COVID-19 xây dựng bằng tiền thu được từ các băng nhóm tội phạm. |
Nằm ở phía Bắc Argentina, tỉnh Salta là cửa ngõ chính trên con đường thẩm lậu cocain từ nước láng giềng Paraguay. Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 20 tấn cocain, 10-12 tấn cần sa cùng khoảng 3 tấn - vừa amphetamine, vừa ma túy dạng đá vào Argentina bằng con đường này rồi sau đó, ngoài tiêu thụ nội địa, ma túy được đưa sang Colombia, Mexico, Brazil, thậm chí đi xa hơn, đến châu Âu, Mỹ, Australia và New Zealand. Một trong những tập đoàn tội phạm điều hành hệ thống vận chuyển, mua bán ấy là “gia tộc Los Monos”.
Khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát, cùng với thế giới, các quốc gia Nam Mỹ thực hiện lệnh đóng cửa cả về đường bộ, đường biển lẫn đường hàng không nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Các chốt chặn, các trạm kiểm soát được dựng lên tại các vị trí trọng yếu nên vô hình trung, các đường dây vận chuyển ma túy của “gia tộc Los Monos” cũng bị tê liệt. Carolina Sampó, điều phối viên thuộc Trung tâm nghiên cứu xuyên quốc gia có trụ sở ở Argentina nói với trang tin châu Mỹ La tinh Ngày nay - Latin America Today: “Việc đóng cửa biên giới đã khiến các băng nhóm tội phạm gặp khó khăn khi vận chuyển ma túy - từ nhập khẩu đến tiêu thụ. Điều đó dẫn đến giá cả tăng lên...”. German de Los Santos, chuyên gia về tội phạm ở Argentina cho biết tiếp: “Trước khi có dịch COVID-19, giá 1g cocain ở Buenos Aires là 120USD, nhưng hiện nay, nó là 200USD nhưng không thể dễ dàng mua được. Riêng cần sa, giá tăng gấp đôi bởi lẽ với khối lượng cồng kềnh, 1kg cần sa khó mà lọt qua biên giới so với 1kg cocain”. Tiến sĩ Carlos Damin, Trưởng khoa Độc chất học, bệnh viện Fernandez ở Buenos Aires nói: “COVID-19 dẫn đến 2 hệ quả: Một là các băng nhóm tội phạm ở Argentina tạm thời “đình chiến” trong việc tranh giành lãnh địa và hai là số người nghiện cũng giảm bớt. Điều này có thể nhìn thấy rõ ở thành phố Rosario. Nếu như trước tháng 2/2020, trung bình mỗi ngày nơi này xảy ra 15 vụ giết người có liên quan đến ma túy thì từ giữa tháng 2 trở lại đây, cảnh sát không ghi nhận một vụ nào”.
Trước cơ hội ấy, cảnh sát Argentina đã tiến hành một chiến dịch trấn áp các băng nhóm tội phạm trên quy mô toàn quốc. Tất cả tài sản có nguồn gốc phạm pháp đều bị tịch thu để sử dụng trong việc phòng chống COVID-19 và bước đầu đã thu được kết quả. Ngày 4/4/2020, sau vụ đột kích vào cứ điểm của một “đại lý ma túy cấp 1” thuộc “gia tộc Los Monos” tại thành phố Rosario, thẩm phán liên bang Santiago Inchausti đã ra lệnh đưa 36 chiếc xe hơi sang trọng bị tịch thu đến Văn phòng thị trưởng tại Pueyrredón, gần Buenos Aires. 26 xe trong số này sẽ được giao cho các bệnh viện làm nhiệm vụ vận chuyển bệnh nhân. Số còn lại giao cho cảnh sát liên bang dùng để tuần tra tại các chốt kiểm dịch quốc tế.
Trước đó, ngày 23/3, Cơ quan quản lý tài sản nhà nước (Agencia de Administración de Bienes del Estado - viết tắt là AABE) cũng đã công bố một tài sản của “gia tộc Camilo” - là một biệt thự bị tịch thu tại thị trấn Pilar, Buenos Aires - sẽ được sử dụng làm nơi điều trị cho những người nhiễm COVID-19. Biệt thự này đứng tên bởi một luật sư, bị cáo buộc là “đã rửa tiền cho ông trùm ma túy người Colombia là José Bayron Piedrahita Ceballos, bí danh "El Arabe". Cũng thời gian này, AABE đã bàn giao 2 khách sạn ở tỉnh Salta cho cơ quan y tế tỉnh, để biến nó thành điểm cách ly cho những người nghi nhiễm COVID-19. Một quan chức thuộc AABE nói: “Cả 2 khách sạn ấy được xây dựng bằng tiền bán ma túy. Khi đi vào hoạt động, nó cũng lại trở thành điểm trung chuyển ma túy nên nó bị tịch thu...”.
Cần nói thêm rằng “Chương trình tịch thu tài sản phạm pháp” do Tổng thống Argentina là ông Mauricio Macri ký ban hành, cho phép các cơ quan thực thi pháp luật - thông qua một văn phòng kiểm sát đặc biệt - điều tra về nguồn gốc tài sản thuộc sở hữu của bọn tội phạm. Việc điều tra được tiến hành song song với một cuộc điều tra hình sự. Nếu chủ sở hữu tài sản không thể chứng minh tài sản ấy là hợp pháp thì nó sẽ bị tịch thu ngay cả trước khi bị khởi tố hình sự.
Cho đến nay, ngoài những nhà cửa, xe cộ nêu trên, Văn phòng Chưởng lý Argentina còn ra lệnh tịch thu gần 19 triệu USD và 12 chiếc xe sang của “gia tộc Loza”, một trong những tổ chức tội phạm lớn nhất và tinh vi nhất, được cất dấu ở 30 điểm khác nhau trên khắp đất nước Argentina. Nếu như trước đây, việc tịch thu và bán đấu giá tài sản phạm pháp thường kéo dài nhiều năm thì hiện tại, Argentina đã tìm ra cách để sử dụng bằng việc biến nó thành công cụ bảo vệ sức khỏe người dân cùng an sinh xã hội. Theo Carolina Sampó, điều phối viên thuộc Trung tâm nghiên cứu xuyên quốc gia có trụ sở ở Argentina, dịch COVID-19 là cơ hội bằng vàng để Argentine xóa sổ các băng nhóm tội phạm: “Biện pháp đóng cửa biên giới đã khiến số ma túy thẩm lậu vào Argentina trong tháng 2 và 3 chỉ còn bằng 16% so với những tháng trước đó. Số người nghiện cũng giảm theo tỷ lệ tương ứng”. Carolina Sampó nói: “Dịch bệnh sẽ chấm dứt, các băng nhóm tội phạm cũng không thể trỗi dậy nếu các cơ hội cho chúng bị chặt đứt hoàn toàn...”.
VŨ CAO
(Theo Latin America Today)