.

Các nước châu Âu thừa nhận tác dụng của khẩu trang trong phòng dịch

Cập nhật: 21:29, 03/04/2020 (GMT+7)

WB cấp vay 245 triệu USD giúp các nước Mỹ Latinh 

Chính phủ nhiều nước châu Âu đã thừa nhận việc đeo khẩu trang có tác dụng phòng tránh dịch bệnh và đã khuyến cáo người dân đeo khẩu trang.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Moscow, Nga.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Moscow, Nga.

Trong khi Mỹ đã bắt đầu thảo luận khả năng đưa ra khuyến cáo người dân đeo khẩu trang ở những khu vực công cộng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, khoảng 29 triệu người dân châu Âu giờ đây đã đeo khẩu trang trước khi ra khỏi nhà. Tại Đức và Italia, thậm chí việc không khẩu trang khi ra ngoài đã trở thành không hợp thời trang.

Chính phủ Cộng hòa Séc đã thúc đẩy các nước phương Tây học theo cách phòng bệnh dễ dàng này của người dân ở tâm dịch Trung Quốc. Người dân Séc đã cùng nhau phát động nỗ lực chung nhằm sản xuất và phân phát khẩu trang tự chế sau khi chính phủ nước này ngày 30/3 ra sắc lệnh bắt buộc đeo khẩu trang khi ra đường.

Chính phủ của Thủ tướng Andrej Babis thông báo rằng, việc đeo khẩu trang đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát sự lây lan của virus và kêu gọi chính phủ các nước châu Âu khác làm tương tự. Séc và nước láng giềng Slovakia hiện là 2 nước châu Âu quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.

Bộ trưởng Y tế Séc Adam Vojtech cho biết: “Séc là một trong số ít nước châu Âu chứng kiến sự lây lan rất chậm của virus. Điều khác biệt chính là mọi người đều đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà”.

Trong một nỗ lực làm gương cho người dân, Thủ tướng Babis và nhiều chính trị gia Séc đã đeo khẩu trang khi phát biểu trước Quốc hội và xuất hiện trên truyền hình.

Hưởng ứng kêu gọi của chính phủ, hàng ngàn người Séc đã tham gia một nhóm trên Facebook, do các sinh viên ngành thiết kế thời trang của Viện Nghệ thuật, Kiến trúc và Thiết kế Umprum ở Praha lập ra, để may khẩu trang vải nhiều màu nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung của sản phẩm này.

Trong một dòng trạng thái trên mạng Twitter, Thủ tướng Babis đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra quyết định tương tự về đeo khẩu trang bắt buộc tại Mỹ. Ông viết: “... hãy chống virus theo cách của người Séc. Chỉ cần đeo một chiếc khẩu trang vải sẽ giảm 80% tốc độ lây lan của virus!”.

Trong khi đó, các lao động trong nhà tù ở Litva và Hungry cũng đã tập trung sản xuất mặt hàng này sau khi chính quyền các nước này nhận ra hiệu quả của chiếc khẩu trang trong công tác phòng dịch COVID-19.

Ngày 30/3, Chính phủ Áo cũng yêu cầu người dân ở nước này phải đeo khẩu khi vào mua hàng trong các siêu thị. Từ ngày 1/4, Áo đã phát khẩu trang miễn phí tại các cửa hàng tạp hóa và hiệu thuốc. Thủ tướng Áo đã xuất hiện cùng một chiếc khẩu trang in màu cờ nước Áo.

Nhà chức trách Đức cho biết, họ cũng đang cân nhắc làm điều tương tự. Slovakia và Bosnia cũng đã đưa ra các khuyến cáo nên đeo khẩu trang. Giới chức Slovakia đã làm gương bằng cách đeo khẩu trang khi tham gia các cuộc họp báo.

Nhà chức trách Slovakia hiểu rằng hệ thống y tế của họ yếu kém hơn hầu hết các nước châu Âu và dân số già hơn nên càng cần phòng tránh tốt. Slovakia và Litva còn ký hợp đồng với nhiều công ty địa phương để sản xuất khẩu trang y tế.

Các động thái trên cho thấy chính phủ các nước phương Tây đã nghiên cứu và học theo kinh nghiệm chống dịch COVID-19 của nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam thay vì làm theo khuyến cáo của Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDPC) rằng chỉ những người nhiễm bệnh mới cần đeo khẩu trang.

Thủ tướng Slovakia Igor Matovic lập luận: “Nếu tất cả chúng ta đeo khẩu trang thì cả những người nhiễm bệnh cũng đeo khẩu trang”. Mọi người thường không sớm nhận ra rằng mình ốm hay nghĩ là mình sắp ốm, trong khi virus SARS-CoV-2 có thể lây lan ngay cả khi người lây chưa có các triệu chứng bệnh.

Với người dân châu Á, đặc biệt là tại tâm dịch Trung Quốc, việc đeo khẩu trang đã được thực hiện gần như khắp nơi ngay khi dịch bùng phát. Kết quả cho thấy khả năng kiểm soát dịch tốt hơn và tốc độ lây nhiễm thấp hơn.

*Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 3/4 thông qua khoản tín dụng trị giá 245 triệu USD cho một số nước Mỹ Latinh để giúp các quốc gia này mua trang thiết bị y tế nhằm đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Thông báo của WB cho biết, các nước Ecuador, Bolivia và Paraguay sẽ nhận được 20 triệu USD mỗi nước, còn Argentina sẽ nhận 35 triệu USD và Cộng hòa Dominicana được hưởng một gói 150 triệu USD.

Số tiền trên sẽ được đầu tư mua trang thiết bị y tế cần thiết để điều trị các bệnh nhận mắc bệnh COVID-19, cũng như mở rộng thêm các khoa hồi sức tích cực và khu vực cách ly.

Ngoài ra, khoản tín dụng trên cũng được dùng để tài trợ cho các chương trình tuyên truyền về công tác phòng, chống COVID-19, đồng thời hỗ trợ cải tạo các phòng thí nghiệm tại một số nước để phục vụ cho việc phát hiện sớm, xác định và xử lý các trường hợp nhiễm bệnh.

Bộ trưởng Y tế Argentina Ginés González García cho biết, với khoản tín dụng của WB, nước này sẽ tăng cường chất lượng phản ứng của hệ thống y tế.

ĐỨC ANH (Tổng hợp)

.
.
.