Mỹ lên kế hoạch đưa ra gói hỗ trợ kinh tế thứ 4
● Quỹ đầu tư các nước sản xuất dầu mỏ sẽ bán 225 tỷ USD cổ phiếu
Ngày 30/3, các nhà lập pháp Mỹ cho biết đang lên kế hoạch thảo luận dự luật thứ 4 nhằm giúp các công ty có vốn cũng như trả lương cho hàng triệu người lao động sau khi đã thông qua gói hỗ trợ kinh tế lớn nhất trong lịch sử Mỹ trị giá 2.000 tỷ USD nhằm đối phó với dịch bệnh COVID-19.
Công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu Abqaiq của Aramco, Saudi Arabia. |
Theo các nhà lập pháp, cần phải đưa nhiều dự luật nhằm hỗ trợ người dân, các DN và nền kinh tế bởi hiện vẫn chưa thể biết mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng và có thể mức độ đó sẽ tăng lên và kéo dài.
Theo kế hoạch, Thượng viện Mỹ sẽ quay trở lại làm việc vào ngày 20/4, trong khi Hạ viện Mỹ cũng sẽ có kỳ nghỉ kéo dài. Tuy nhiên, các nhà lập pháp cho biết họ có thể quay trở lại làm việc sớm hơn tùy thuộc vào tình hình nền kinh tế Mỹ trong vài tuần tới.
Việc lên kế hoạch thảo luận dự luật hỗ trợ thứ 4 được các nhà lập pháp đưa ra trong bối cảnh số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 21/3 tăng đột biến, từ mức dưới 300.000 đơn lên tới hơn 3 triệu đơn. Bên cạnh đó, các DN, các hiệp hội thương mại và chính phủ các bang hiện cũng đang kêu gọi thêm sự hỗ trợ từ chính phủ liên bang bởi theo họ gói hỗ trợ trước đó mặc dù là bước đi tốt, nhưng không đủ để duy trì nền kinh tế nếu như dịch bệnh kéo dài tới cuối tháng 4.
Trong một phát biểu, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Charles Schumer khẳng định khả năng cao sẽ có thêm dự luật hỗ trợ thứ 4 bởi cần có thêm các dự luật khi không biết mức độ cuộc khủng hoảng.
Ông Roy Blunt, Chủ tịch Ủy ban Chính sách của Thượng viện, bày tỏ mong muốn sẽ sớm có thêm một dự luật cứu trợ khác, đồng thời cho biết khi kết thúc gói hỗ trợ thứ 3, các nhà lập pháp đã bắt đầu đề cập tới gói hỗ trợ thứ 4 vì gói hỗ trợ thứ 3 không thể bao trùm tất cả mọi lĩnh vực.
Ngoài ra, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi khẳng định sự cần thiết phải có thêm một gói kích thích kinh tế, đồng thời thông báo Hạ viện Mỹ sẽ tìm cách để người dân Mỹ có thu nhập thấp và thu nhập trung bình được nhận trực tiếp thêm một khoản tiền thông qua một dự luật khác.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát trên toàn nước Mỹ với số người nhiễm cũng như số ca tử vong ngày càng tăng, ngày 27/3, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thành luật dự luật kích thích kinh tế có trị giá 2.000 tỷ USD sau khi văn kiện này được Thượng viện cũng như Hạ viện Mỹ thông qua. Đây là gói hỗ trợ khẩn cấp lớn nhất trong lịch sử của Mỹ nhằm hỗ trợ người dân Mỹ, các DN nhỏ và các ngành công nghiệp đang phải vật lộn với sự gián đoạn kinh tế do dịch COVID-19 gây ra.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Trump cũng như các nhà lập pháp Mỹ cũng đã công bố 2 gói hỗ trợ kinh tế. Dự luật đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tập trung vào các quan cơ y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch, trong khi dự luật thứ 2 trị giá 104 tỷ USD được Tổng thống Donald Trump ký ngày 18/3 nhằm hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp, xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng.
●Theo chiến lược gia của JPMorgan Nikolaos Panigirtzoglou, các quỹ đầu tư quốc gia của các nước sản xuất dầu mỏ, chủ yếu là ở Trung Đông và châu Phi, có thể rút vốn 225 tỷ USD từ cổ phiếu, khi giá dầu giảm mạnh và dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ảnh hưởng đến tình hình tài chính quốc gia.
Ông Panigirtzoglou cho biết, sự lây lan nhanh của dịch bệnh đã khiến kinh tế toàn cầu chịu tác động mạnh, khiến các thị trường chao đảo và các quỹ đầu tư quốc gia từ dầu mỏ và phi dầu mỏ thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD tiền đầu tư vào cổ phiếu.
Ước tính này được đưa ra dựa trên số liệu từ các quỹ đầu tư quốc gia và nhóm nghiên cứu Sovereign Wealth Fund Institute.
Tiếp tục đầu tư vào cổ phiếu và có nguy cơ chịu tổn thất lớn hơn không phải là lựa chọn của một số quỹ đầu tư của một số quốc gia sản xuất dầu mỏ. Chính phủ các nước này đang đối mặt với khó khăn kép về tài chính, khi nguồn thu giảm do giá dầu lao dốc và chi tiêu tăng vọt khi thông qua ngân sách khẩn cấp.
Ông Panigirtzoglou nhận định, các quỹ đầu tư quốc gia có thể đã rút khoảng 100-150 tỷ USD tiền đầu tư vào cổ phiếu, trừ quỹ của Na Uy, trong những tuần gần đây và có thể sẽ bán thêm số cổ phiếu trị giá 50-75 tỷ USD trong những tháng tới.
Phần lớn các quỹ dựa vào dầu mỏ buộc phải duy trì lượng dự trữ tiền mặt đáng kể phòng trường hợp giá dầu lao dốc khiến chính phủ yêu cầu tài trợ.
Một nguồn tin từ một quỹ cho biết quỹ này đã từng bước huy động tiền mặt kể từ khi giá dầu bắt đầu giảm từ đỉnh gần đây nhất là trên 70 USD/thùng vào tháng 10/2018.
Ngày 26/3 vừa qua, Quỹ Đầu tư quốc gia của Na Uy cho biết đã thiệt hại 124 tỷ USD trong năm nay, khi các thị trường chứng khoản sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Yngve Slyngstad, nói quỹ này bắt đầu mua cổ phiếu để đưa mức phân bổ cho cổ phiếu trong danh mục đầu tư từ mức 65% hiện nay về mức 70%.
Theo ông, bất kỳ khoản chi nào của chính phủ trong năm nay cũng sẽ được tài trợ bằng việc bán trái phiếu trong danh mục đầu tư của quỹ. Các quỹ đầu tư quốc gia trở thành các nhà đầu tư lớn trên các thị trường chứng khoán toàn cầu, chiếm khoảng 5-10% tổng lượng cổ phiếu được nắm giữ.
Trong khi các quỹ đầu tư quốc gia chịu tác động lớn do giá cổ phiếu toàn cầu giảm gần 20%, Tiểu vương Abu Dhabi thuộc Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất hay các nước như Kuwait, Qatar, Bahrain, Saudi Arabia, Nigeria và Angola cũng trong tình thế căng thẳng về tài chính do giá dầu giảm gần 2/3 trong năm nay.
ĐỨC ANH (Tổng hợp)