●Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hạn chế nhập cư ●Anh nghiên cứu quy mô lớn về khả năng miễn dịch cộng đồng
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. |
Thủ tướng Australia Scott Morrison đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tăng thêm quyền hạn cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để đối phó với các đại dịch trong tương lai.
Ông Morrison đã vận động các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emannuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel trao thêm quyền hạn cho WHO tương tự quyền hạn của các thanh sát viên vũ khí để đối phó hiệu quả với sự bùng phát của các đại dịch mới trong tương lai.
Theo đề xuất trên, các quan chức y tế có quyền tiếp cận và điều tra nguồn gốc của dịch bệnh ở một quốc gia mà không cần lời mời của nước đó. Các quan chức WHO cũng có thể được quyền truy cập các dữ liệu và các thông tin quan trọng khác để theo dõi và ngăn chặn bệnh dịch.
Ông Morrison cho rằng, nếu thế giới được cảnh báo sớm hơn về mức độ nghiêm trọng của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch, có thể hàng trăm ngàn người đã cứu sống. Nhà lãnh đạo Australia nhấn mạnh cần phải có một quy trình minh bạch và độc lập để xem xét những gì đang diễn ra và quan trọng hơn, các vấn đề cần phải thay đổi.
WHO đang hứng chịu sức ép nặng nề từ Australia và các quốc gia phương Tây khác vì đã quá chậm chạp trong việc ứng phó với sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Trung Quốc cũng bị cáo buộc thiếu minh bạch về mức độ nguy hiểm của dịch COVID-19.
●Ngày 23/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo đã ký sắc lệnh hành pháp hạn chế nhập cư nhằm tạm dừng cấp mới thẻ xanh, một động thái theo ông là sẽ giúp bảo vệ việc làm của người dân Mỹ trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nêu rõ: “Để bảo vệ những người lao động Mỹ tuyệt vời của chúng ta, tôi đã ký một sắc lệnh hành pháp tạm dừng nhập cư vào Mỹ”.
Cũng theo Tổng thống Trump, “sắc lệnh này bảo đảm rằng những người thất nghiệp Mỹ ở mọi tầng lớp xã hội sẽ được nhận ưu tiên hàng đầu là bố trí việc làm khi nền kinh tế tái mở cửa”. Sắc lệnh cũng bảo đảm các nguồn lực y tế cho các bệnh nhân Mỹ.
Theo thông tin trước đó, sắc lệnh này có thời hạn trong 60 ngày và sẽ gây ảnh hưởng nhiều nhất đến những người đang nộp hồ sơ xin thẻ thường trú, hoặc thẻ xanh, ngoại trừ những người làm trong ngành chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, những lao động mùa vụ vẫn sẽ được phép vào Mỹ.
Động thái trên được tiến hành trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 với 22 triệu người đã gia nhập đội ngũ thất nghiệp. Tổng thống Trump từng nói nếu chính phủ không can thiệp kịp thời thì kinh tế Mỹ rất lâu mới có thể phục hồi và tỷ lệ thất nghiệp sẽ luôn duy trì ở mức cao.
●Ngày 23/4, Chính phủ Anh thông báo các kế hoạch nghiên cứu quy mô lớn nhằm truy vết virus SARS-CoV-2 trong toàn dân. Dự kiến, nghiên cứu sẽ kéo dài một năm với khoảng 300.000 người tham gia.
Trong giai đoạn đầu, một nhóm khoảng 25.000 người sẽ được thường xuyên xét nghiệm dịch mũi và họng để xác định họ có mắc COVID-19 hay không. Các mẫu máu của những người trưởng thành ở khoảng 1.000 hộ gia đình cũng sẽ được xét nghiệm định kỳ để đánh giá bao nhiêu người đã tự tạo được các kháng thể.
Bộ Y tế Anh cho biết, kết quả nghiên cứu sơ bộ có thể được công bố đầu tháng Năm, và có thể được dùng làm cơ sở để chính phủ đưa ra các quyết định về nới lỏng lệnh phong tỏa đã áp dụng một tháng qua nhằm ngăn chặn virus gây bệnh lây lan.
Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết, nghiên cứu quy mô lớn này “sẽ giúp truy vết sự lây lan virus SARS-CoV-2 hiện nay tại Anh, đồng thời trả lời được các câu hỏi quan trọng về khả năng miễn dịch”.
ĐỨC ANH (Tổng hợp)