Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại do dịch COVID-19

Thứ Sáu, 06/03/2020, 07:40 [GMT+7]
In bài này
.

* Trung Quốc đạt được kết quả tích cực trong phòng, chống dịch 

Ngày 5/3, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo dịch viêm đường hô hấp COVID-19 gây ra “nguy cơ nghiêm trọng” và sẽ làm giảm mạnh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2020 xuống thấp hơn mức 2,9% của năm trước.

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva phát biểu tại một cuộc họp báo.
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva phát biểu tại một cuộc họp báo.

Phát biểu với báo giới, bà Georgieva nhận định đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 không còn là vấn đề khu vực mà đã trở thành vấn đề toàn cầu và cần phản ứng toàn cầu.

Tổng giám đốc IMF cho rằng, tác động của dịch bệnh tới niềm tin của thị trường và các biện pháp nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan đang tác động trực tiếp tới hoạt động kinh tế và kết quả là tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ giảm so với năm 2019.

Hồi tháng 1/2020, IMF dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế của năm 2020 là 3,3%. Như vậy, dịch bệnh sẽ khiến tốc độ tăng trưởng chậm đi ít nhất là 0,5 điểm % so với dự báo ban đầu này. Nữ lãnh đạo IMF lưu ý mức giảm bao nhiêu và tác động của dịch bệnh sẽ kéo dài bao lâu vẫn còn khó dự đoán. 

Theo bà, ban đầu các phân tích giả định Trung Quốc sẽ chịu tác động mạnh nhất và phần nào khiến kinh tế toàn cầu chậm lại nhưng chỉ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, những diễn biến trong tuần qua cho thấy dịch bệnh đang lan rộng trên toàn cầu và gây ra một kịch bản nguy hiểm hơn.

Hiện, hơn 95.000 người trên thế giới đã được xác nhận nhiễm và hơn 3.200 người tử vong vì dịch bệnh COVID-19.

Phát biểu trên được đưa ra sau khi bà Georgieva và Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) David Malpass họp trực tuyến với các quan chức tài chính từ các quốc gia thành viên. Toàn bộ 189 quốc gia thành viên của IMF đã cam kết sẽ huy động mọi nguồn lực có sẵn để giúp đỡ các quốc gia khắc phục tác động của dịch bệnh.

IMF thông báo có khoảng 1.000 tỷ USD năng lực tài chính chung, trong đó có 50 tỷ USD có sẵn, chưa được đưa vào một chương trình chính thức của IMF và 10 tỷ USD trong các quỹ không lợi nhuận để hỗ trợ các quốc gia nghèo.

Trong khi đó, WB tuyên bố có sẵn 12 tỷ USD để hỗ trợ các quốc gia ứng phó dịch bệnh. Theo ông Malpass, tốc độ và quy mô phản ứng là những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của các biện pháp ứng phó.

 Ngày 5/3, tại hội nghị Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, sau thời gian kêu gọi sự nỗ lực của cả nước, kết quả tích cực đã đạt được khi tình hình kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh đã cho thấy sự cải thiện rõ rệt và mọi hoạt động trong công việc cũng như cuộc sống đang dần bình thường trở lại.

Tuy nhiên, ông kêu gọi cần tiếp tục thúc đẩy việc tạo ra một trật tự kinh tế, xã hội thích hợp với việc ngăn chặn và kiểm soát dịch, nỗ lực củng cố và tiếp tục duy trì xu hướng tích cực hiện nay, đưa kinh tế và phát triển xã hội trở lại quỹ đạo sớm nhất.

Cùng ngày, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin (MIIT) Trung Quốc công bố báo cáo cho biết, tính đến ngày 3/3 có khoảng 45% các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của nước này đã hoạt động trở lại trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã phần nào được khống chế.

MIIT cho biết sẽ gia tăng nỗ lực nhằm hỗ trợ hơn nữa các doanh nghiệp SME hoạt động trở lại và ổn định sản xuất. MIIT dự kiến sẽ tăng cường chỉ đạo và áp dụng tất cả các biện pháp có thể nhằm giảm thiểu những khó khăn do tác động của dịch COVID-19 ảnh hưởng tới các doanh nghiệp SME.

LÊ ÁNH (TTXVN)

;
.