Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đưa ra cảnh báo nếu các nước không nỗ lực hơn nữa, khoảng 3,5-4,4 tỷ người trên thế giới, trong đó hơn 1 tỷ người sống tại các đô thị, sẽ phải chịu cảnh thiếu nước sạch.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng “tài nguyên nước của thế giới đang phải chịu mối đe dọa chưa từng thấy”. Hiện khoảng 2,2 tỷ người đang thiếu nước sạch, trong khi 4,2 tỷ người đang sống trong cảnh thiếu các hệ thống vệ sinh đầy đủ. Nếu các nước không khẩn trương hành động, tác động của biến đổi khí hậu sẽ khiến tình trạng này trở nên trầm trọng hơn. Nhấn mạnh Ngày Nước Thế giới năm nay tập trung vào vấn đề nước và biến đổi khí hậu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng 2020 là năm mang tính quyết định cho hành động về khí hậu.
Theo ông Guterres, nước là yếu tố hàng đầu để thông qua đó con người có thể nhận thấy tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, từ các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán và lũ lụt, cho tới tình trạng tan băng, xâm nhập mặn và nước biển dâng. Hiện tượng nóng lên toàn cầu và việc sử dụng không bền vững sẽ gây ra tranh giành chưa từng có đối với tài nguyên nước, dẫn đến sự di cư của hàng triệu người. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, hoạt động sản xuất cũng như làm gia tăng nguy cơ về bất ổn và xung đột.
Đề cập đến giải pháp, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh cần khẩn trương tăng đầu tư cho các hệ thống dẫn nước hợp vệ sinh và hạ tầng nước, đồng thời cải thiện hiệu quả sử dụng nước. Theo ông Guterres, phải lường trước và ứng phó với những nguy cơ về khí hậu ở mọi cấp quản lý nguồn nước. Ông cho rằng các nước cũng cần tăng cường nỗ lực để tăng khả năng hồi phục và thích nghi cho những người chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Ông Guterres kêu gọi tận dụng năm 2020 này và COP26 (Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tại Glasgow, Scotland) để làm giảm phát thải và thiết lập một nền tảng đảm bảo ổn định nguồn nước. Ông kêu gọi tất cả mọi người đóng vai trò giúp giảm tình trạng thiếu nước. Ông nhấn mạnh: “Tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan tăng cường hành động về khí hậu và đầu tư vào các biện pháp thích ứng mạnh mẽ để bảo đảm tính bền vững của nguồn nước. Bằng cách hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, thế giới sẽ ở vị trí tốt hơn nhiều để quản lý và giải quyết cuộc khủng hoảng nước mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt”.
NGỌC LONG (TTXVN)