Nhiều nước châu Âu thông qua các biện pháp hỗ trợ kích thích kinh tế

Thứ Sáu, 20/03/2020, 21:03 [GMT+7]
In bài này
.

●Thượng viện Mỹ đề xuất dự luật cứu trợ trị giá 1.000 tỷ USD

●Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản họp trực tuyến thảo luận về COVID-19

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, ông Mitch McConnell.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, ông Mitch McConnell.

Đài phát thanh Ba Lan đưa tin, chính phủ nước này vừa công bố kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 47 tỷ Euro để giải quyết khủng hoảng do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết, gói kích thích này sẽ được sử dụng để bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời duy trì hoạt động cho các DN bị COVID-19 “tấn công”. Theo các nhà kinh tế, con số này tương đương với khoảng 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ba Lan.

Trong khi đó, chính phủ Romania cũng đã phê duyệt gói viện trợ trị giá tương đương gần 2% GDP để giúp chống lại tác động kinh tế do COVID-19 gây ra. Theo Bộ trưởng Tài chính Florin Citu, khoản tiền này sẽ dùng để hỗ trợ những người thất nghiệp, bảo đảm hạn mức tín dụng cũng như bù đắp cho việc hoãn nộp thuế thu nhập của một số công ty trong tối đa 2 tháng. Ông Citu cho rằng, gói hỗ trợ trong 3 tháng này đối với Romania là rất đáng kể và được kỳ vọng sẽ giúp các công ty vượt qua giai đoạn đầy khó khăn hiện nay.

Chính phủ Estonia, cũng vừa công bố gói kích thích trị giá 2 tỷ Euro nhằm thúc đẩy nền kinh tế và giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19. Thủ tướng Estonia Jüri Ratas cho biết, gói hỗ trợ này tương đương với gần 7% GDP. Mục đích của gói hỗ trợ là giảm thiểu giai đoạn khó khăn ban đầu của cuộc khủng hoảng, bảo vệ người lao động và DN.

●Ngày 19/3, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, ông Mitch McConnell, đã đề xuất gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 1.000 tỷ USD nhằm ngăn chặn nguy cơ bất ổn kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19.

Trình bày trước Thượng viện, ông McConnell cho biết, dự luật cứu trợ khẩn cấp sẽ đưa ra “hành động quyết liệt đối với 4 ưu tiên chính vô cùng cấp bách và cần thiết”.

Ông nêu rõ 4 ưu tiên bao gồm trực tiếp hỗ trợ tài chính cho người dân Mỹ, nhanh chóng cứu trợ các DN nhỏ và người lao động, thực hiện các bước đi quan trọng để ổn định nền kinh tế và bảo vệ việc làm, tăng cường hỗ trợ dành cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu và các bệnh nhân mắc COVID-19.

Dự luật do đảng Cộng hòa đề xuất sẽ được các Thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ xem xét trước khi Thượng viện ấn định thời điểm đưa ra bỏ phiếu. Nếu được Thượng viện thông qua, văn kiện này sau đó sẽ phải qua “ải” Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát và Tổng thống Donald Trump ký ban hành luật.

Đây là dự luật hỗ trợ thứ 3 và là dự luật có số tiền lớn nhất của Chính phủ Mỹ nhằm đối phó với dịch COVID-19. Dự luật đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tập trung vào các quan cơ y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch, trong khi dự luật thứ 2 trị giá 104 tỷ USD được Tổng thống Trump ký ngày 19/3 nhằm hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 miễn phí và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng.

●Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, ngoại trưởng các nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã tiến hành một cuộc họp trực tuyến ngày 20/3 thảo luận về nỗ lực đối phó với dịch COVID-19.

Cuộc họp giữa Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cùng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Nhật Bản Toshimitsu Motegi diễn ra trong bối cảnh 3 nước đang thúc đẩy việc liên lạc chia sẻ kinh nghiệm và nỗ lực phòng chống dịch.

Mặc dù chi tiết của hội nghị chưa được công bố, nhưng Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha dự kiến sẽ kêu gọi Trung Quốc và Nhật Bản nới lỏng hoặc dỡ bỏ những hạn chế nhập cảnh, ít nhất là đối với các DN hoặc một số đối tượng có công vụ đặc biệt.

ĐỨC ANH (Tổng hợp)

;
.