Lịch sử việc rửa tay của bác sĩ
Cho đến giữa thế kỷ XIX, các bác sĩ trên toàn thế giới hầu như không bao giờ rửa tay trước khi bắt đầu khám bệnh, mổ xẻ hay đỡ đẻ. Hệ quả là chỉ tính riêng năm 1840, ở nước Áo, đã có gần 240 ngàn người chết vì nhiễm trùng trong quá trình điều trị.
Bác sĩ Semmelweis (phía trên, bên trái) và hình minh họa rửa tay theo phương pháp của ông hồi giữa thế kỷ 19. |
Hiện tại, khi mà dịch COVID-19 đang làm chao đảo cả thế giới, y học đã khẳng định việc rửa tay có thể ngăn ngừa được sự lây lan của cơn đại dịch này…
1. Năm 1840, trước hiện tượng bệnh nhân tử vong do nhiễm trùng vì mổ xẻ hoặc đỡ đẻ ngày một tăng lên, bác sĩ Ignaz Phillip Semmelweis, công tác tại Bệnh viện sản khoa Vienna - là bệnh viện chuyên về sinh đẻ lớn nhất thế giới lúc bấy giờ - đã tự đặt câu hỏi phải chăng việc nhiễm trùng xuất phát từ việc trước khi tiến hành phẫu thuật, đỡ đẻ, cắt dây rốn…, các bác sĩ không hề rửa tay?
Tiến hành quan sát, bác sĩ Semmelweis nhận thấy các bác sĩ sau khi thăm khám cho những sản phụ bị sốt hậu sản (mà thực chất là sốt do nhiễm trùng) thì nếu phải thực hiện những ca phẫu thuật hay đỡ đẻ tiếp theo, họ thường làm luôn mà không hề rửa tay. Sinh viên y khoa cũng vậy, học thăm khám lâm sàng ca bệnh này xong, họ quay sang học tiếp ca bệnh khác, vẫn với đôi bàn tay không rửa ráy. Y tá thì khỏi phải nói, họ thực hiện y lệnh của bác sĩ và chẳng rửa tay bao giờ!
Vì thế, bác sĩ Semmelweis quyết định làm một khảo sát. Ông chia Bệnh viện sản khoa Vienna thành 2 khu riêng biệt. Khu thứ nhất gồm các bác sĩ, sinh viên y khoa, y tá sản khoa, tất cả đều phải rửa tay với nước trước khi tiến hành các thủ thuật. Khu thứ 2 cũng với các thành phần như trên, làm việc theo cách bệnh viện vẫn làm - nghĩa là không rửa tay. Với sản phụ, bác sĩ Semmelweis phân bổ họ vào 2 khu nói trên theo hình thức ngẫu nhiên. Kết quả là từ năm 1840 đến 1846, tỷ lệ tử vong của bà mẹ ở khu khám thứ nhất là 36,2 người/1.000 ca sinh đẻ, trong lúc ở khu thứ 2 là 98,4 người/1.000 ca sinh đẻ. Riêng với trẻ sơ sinh, tỷ lệ tử vong ở khu thứ nhất là 27.3 trẻ/1.000 ca chào đời, còn khu thứ 2 là 78,6 trẻ/1.000 ca chào đời.
Quan sát những trường hợp tử vong, bác sĩ Semmelweis nhận thấy tất cả sản phụ đều chết do nhiễm trùng bộ phận sinh dục dẫn đến nhiễm trùng máu, còn trẻ sơ sinh nhiễm trùng dây rốn là chủ yếu, trong lúc các dụng cụ hỗ trợ sinh sản và dụng cụ cắt dây rốn đều được luộc 15 phút trong nước sôi. Semmelweis kết luận chính việc không rửa tay của bác sĩ là nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng.
Từ phát hiện này, năm 1847 bác sĩ Semmelweis soạn ra một tài liệu gọi là “các bước chuẩn bị của phẫu thuật viên”. Theo đó, trước khi tiến hành thăm khám, làm thủ thuật, mổ xẻ, đỡ đẻ, tất cả bác sĩ, sinh viên y khoa, y tá…, bắt buộc phải rửa tay bằng nước clorua vôi. Kết quả thu được rất ấn tượng: Trong năm 1848, tỷ lệ tử vong ở bà mẹ giảm xuống còn 2,7/ 1.000 lần sinh, tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh chỉ còn 3,3/1.000 trường hợp chào đời.
Trớ trêu thay, phương pháp “các bước chuẩn bị của phẫu thuật viên” do bác sĩ Semmelweis đề xướng lúc ấy lại có ít người ủng hộ nên nó chỉ gói gọn trong khuôn viên Bệnh viện Vienna. Mãi đến thập niên 1880, khi nhà bác học Louis Pasteur phát hiện vi trùng và vai trò của vi trùng đối với các trường hợp nhiễm trùng thì tài liệu “các bước chuẩn bị của phẫu thuật viên” mới lại được đưa vào áp dụng rồi nhanh chóng phổ biến sang Pháp, Anh, Italia, Tây Ban Nha, Đức…
2. Ở Mỹ, cho đến giữa thế kỷ XIX, các bác sĩ cũng không hề rửa tay trước khi khám bệnh, mổ xẻ hoặc đỡ đẻ. Năm 1848, tại Bệnh viện lao phổi St Joseph, bang Connecticut, người ta nhận thấy phần lớn các bác sĩ làm việc ở đây đều mắc bệnh đường ruột nhưng không ai nghĩ rằng họ bị lao ruột bởi lẽ thời điểm ấy, y học quan niệm chỉ có lao phổi mà thôi. Theo thói quen, những bác sĩ trực ca sáng ở Bệnh viện St Joseph thường khám bệnh xong rồi mới ăn sáng. Với đôi bàn tay không rửa, họ cầm miếng bánh sandwich và cứ thế đưa lên miệng nhai. Hậu quả là vi trùng lao bám vào tay họ lúc họ khám bệnh rồi theo miếng bánh, đi vào hệ tiêu hóa của họ.
Mãi đến năm 1850, tài liệu “các bước chuẩn bị của phẫu thuật viên” mới được phổ biến trong các bệnh viện ở Mỹ. Và cũng như ở Bệnh viện Vienna, tỉ lệ tử vong sau phẫu thuật, đỡ đẻ, tỉ lệ lây nhiễm một số bệnh như lao, thương hàn, tả, kiết lỵ…, giảm xuống đến mức đáng kinh ngạc. Chả thế mà Tổ chức Y tế thế giới sau này đã gọi “các bước chuẩn bị của phẫu thuật viên” của bác sĩ Semmelweis là “một trong những công trình khoa học lớn nhất thế kỷ XIX”. Nó đã được tất cả các trường y khoa trên thế giới đưa vào giảng dạy đến tận ngày nay sau khi đã cải tiến, bổ sung thêm một số chi tiết cho phù hợp với những tiến bộ của y học hiện đại. Riêng trang mạng tìm kiếm lớn nhất thế giới Google, ngày 20/3/2020 cũng đưa biểu tượng bác sĩ Semmelweis cùng cách rửa tay của ông để tôn vinh ông.
Hiện tại, khi mà dịch COVID-19 đang làm cả thế giới chao đảo thì việc rửa tay thường xuyên với nước và xà bông sẽ giúp ngăn chặn dịch bệnh lây truyền, và cách thức rửa tay cũng chẳng khác gì cách mà bác sĩ Semmelweis đã hướng dẫn: Rửa lòng bàn tay, mu bàn tay, các kẽ ngón tay, các đầu ngón tay trong ít nhất là 20 giây…
VŨ CAO (Theo Medical History)