●IMF và WB đề nghị hoãn lịch trả nợ cho các nước nghèo ●Đức thông qua gói cứu trợ 1.200 tỷ USD ứng phó với đại dịch
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 26/3 đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thông qua một “kế hoạch thời chiến”, bao gồm một gói kích thích hàng ngàn tỷ USD cho các DN, công nhân và hộ gia đình ở các nước đang phát triển, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 thông qua một “kế hoạch thời chiến” giúp các nước đang phát triển đối phó với khủng hoảng COVID-19. |
Trong một bức thư gửi các nhà lãnh đạo G20, ông Guterres nói rằng, những quốc gia này chiếm tới 85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới, do vậy họ có lợi ích trực tiếp và vai trò quan trọng trong việc giúp các nước đang phát triển đối phó với khủng hoảng COVID-19.
Ông Guterres cảnh báo nếu các nước phát triển không thực hiện được cam kết này, dịch bệnh sẽ có quy mô ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các quốc gia. Ông Guterres lưu ý ngay cả ở những quốc gia giàu có nhất, các hệ thống y tế cũng đang phải “oằn mình” dưới áp lực của dịch bệnh.
Tính tới cuối năm nay, Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết tổn thất từ đại dịch này có thể lên tới hàng ngàn tỷ USD. Đó là lý do tại sao các nhà lãnh đạo G20 phải “bơm” thêm nguồn tài chính lớn vào nền kinh tế toàn cầu. Ông cho biết một gói kích thích phối hợp trị giá hàng ngàn tỷ USD từ các nước G20 sẽ bao gồm những nội dung như tăng cường các biện pháp chuyển tiền mặt, bảo trợ an sinh xã hội, giảm thuế, kích thích tài khóa, hạ lãi suất xuống thấp, mở rộng khả năng tiếp cận các chương trình hỗ trợ tín dụng, bảo hiểm và tiền lương cho người dân.
Tuy nhiên, Tổng thư ký Guterres cũng nhấn mạnh những chính sách trên không nên đi kèm với chủ nghĩa bảo hộ.
Người đứng đầu Liên hợp quốc cũng khuyến khích các nước từ bỏ những biện pháp trừng phạt, hạn ngạch và thuế quan để cho phép cung cấp thực phẩm, vật tư - thiết bị y tế, cũng như hỗ trợ cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 thiết lập một chương trình phản ứng phối hợp để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 trên toàn cầu.
●Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 26/3 kêu gọi chính phủ các nước hoãn lịch trả nợ cho các quốc gia nghèo nhất thế giới để họ có thể ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Động thái trên nhằm hỗ trợ những quốc gia hiện chiếm tới 2/3 dân số đang sống trong tình trạng cực nghèo của thế giới, chủ yếu ở khu vực châu Phi cận Sahara. Các nước này đủ điều kiện nhận các khoản vay “rẻ” và lớn nhất từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) với nguồn vốn tài trợ từ các quốc gia giàu có hơn.
Theo IMF và WB, sự bùng phát dịch COVID-19 có thể gây ra hậu quả kinh tế và xã hội nghiêm trọng cho các quốc gia trong diện nhận hỗ trợ của IDA và họ sẽ phải đối mặt với nhu cầu thanh khoản ngay lập tức để ứng phó các thách thức do sự bùng phát của dịch COVID-19 .
IMF và WB kêu gọi G20 ủng hộ sáng kiến trên, đồng thời cho rằng cần tiến hành phân tích nhu cầu tài chính mà các quốc gia nghèo nhất sẽ phải đối mặt và đánh giá liệu tổng số nợ hiện nay của các nước này có ở mức độ bền vững hay không.
IDA thuộc WB, là một trong những nguồn tài chính hỗ trợ lớn nhất cho 76 quốc gia nghèo nhất thế giới, cung cấp các khoản vay lãi suất thấp hoặc không lãi suất với thời hạn 30 năm trở lên cũng như viện trợ cho một số quốc gia gặp nhiều khó khăn.
●Ngày 26/3, Quốc hội Đức đã bỏ phiếu thông qua gói các biện pháp bảo vệ nền kinh tế lớn nhất châu Âu này với trị giá lên tới gần 1.100 tỷ euro (khoảng 1.200 tỷ USD).
Chính phủ Đức sẽ thành lập một “quỹ bình ổn kinh tế” cung cấp 400 tỷ euro để bảo đảm cho các khoản nợ của các công ty, 100 tỷ euro cho vay hoặc mua cổ phần của các công ty và 100 tỷ euro hỗ trợ cho Ngân hàng đầu tư của nhà nước KfW. Ngoài ra, Chính phủ liên bang sẽ đề nghị hỗ trợ tới 50 tỷ euro cho các công ty nhỏ hơn.
Gói cứu trợ này cũng bao gồm 3,5 tỷ euro hỗ trợ ngay cho hệ thống y tế các thiết bị bảo hộ cần thiết và phát triển vắcxin phòng chống cũng như phương pháp điều trị bệnh COVID-19, 55 tỷ euro có thể được huy động trong trường hợp cần thiết nhằm chống lại dịch bệnh.
ĐỨC ANH (Tổng hợp)