●Hàng không nhiều nước kêu gọi chính phủ hỗ trợ
Ngày 16/3, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt các lệnh hạn chế đối với việc xuất khẩu khẩu trang và các thiết bị bảo hộ y tế, trong mục tiêu đảm bảo nguồn cung cấp riêng của khối cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Italia. |
Trong thông báo trực tuyến, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo việc các nước EU áp đặt kiểm soát biên giới là đang đe dọa chuỗi cung ứng và làm tăng nguy cơ thiếu hụt.
Động thái này được đưa ra khi Đức trở thành quốc gia EU mới nhất đóng cửa biên giới từ ngày 16/3, đối với người dân đến từ Pháp, Áo và Thụy Sĩ, trong nỗ lực làm chậm sự lây lan của dịch COVID-19.
Bà von der Leyen nhấn mạnh, EU đã thông qua một cơ chế ủy quyền xuất khẩu cho các thiết bị bảo vệ y tế. Điều này có nghĩa là hàng hóa y tế chỉ có thể được xuất khẩu sang các nước ngoài EU với sự cho phép rõ ràng của chính phủ thành viên. Chủ tịch EC đánh giá đây là điều đúng đắn vì châu Âu cần trang thiết bị cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của mình. Các hạn chế được áp dụng với một loạt các trang thiết bị như khẩu trang, kính, mặt nạ bảo vệ, tấm chắn mặt, bảo vệ mũi và quần áo bảo hộ.
Chủ tịch EC nhấn mạnh sự cần thiết đối với các nước EU là phải chia sẻ trang thiết bị với nhau và các lệnh cấm xuất khẩu quốc gia, như Pháp và Đức, là rất phản tác dụng.
Trước đó cùng ngày, Ủy viên thị trường nội khối Thierry Breton nói rằng, sau các cuộc thảo luận căng thẳng với Berlin và Paris, 2 nước đã đồng ý cho phép xuất khẩu trang thiết bị, đặc biệt là sang Italia - quốc gia tâm dịch ở châu Âu.
●Liên quan đến dịch COVID-19, ngày 16/3, các hãng hàng không Anh kêu gọi chính phủ hỗ trợ để có thể duy trì hoạt động trong cuộc khủng hoảng liên quan tới dịch sau khi Mỹ mở rộng lệnh cấm đi lại đối với công dân của các nước châu Âu, trong đó có Anh.
Hãng hàng không British Airways, thuộc International Consolidated Airlines, đã cảnh báo về mối nguy do dịch COVID-19 gây ra khiến các hãng hàng không trên thế giới phải hủy nhiều chuyến bay. Tình hình càng diễn biến tiêu cực hơn vào cuối tuần qua, khi các quốc gia là điểm đến được lựa chọn hàng đầu cho những kỳ nghỉ du lịch như Tây Ban Nha đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, trong khi Mỹ đã bổ sung Anh và Ireland vào danh sách các quốc gia cấm đi lại nhằm ngăn chặn dịch lây lan.
Theo Cơ quan Thương mại Airlines UK, đã đến lúc các hãng hàng không thành viên như British Airways, Virgin Atlantic, Norwegian và Ryanair cần hành động. Trong khi đó, theo Sky News, Chủ tịchVirgin Group, cổ đông lớn của hãng hàng không Virgin Atlantic, dự kiến sẽ yêu cầu Chính phủ Anh hỗ trợ 7,5 tỷ bảng Anh (9,2 tỷ USD) cho ngành hàng không.
Chính phủ Anh đã có cuộc họp với các lãnh đạo ngành hàng không và dự kiến tiếp tục thảo luận về tình hình hoạt động kinh doanh trước các ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 trong tuần này.
Trong khi đó, 3 hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ là Delta Air Lines, American Airlines và United Airlines cho biết đã có các cuộc thảo luận với Chính phủ Mỹ về những biện pháp hỗ trợ có thể triển khai.
Về phần mình, tập đoàn hàng không Lufthansa (Đức) cho biết sẽ yêu cầu chính phủ một số nước châu Âu hỗ trợ để ứng phó ảnh hưởng bất lợi của dịch COVID-19.
ĐỨC ANH (Tổng hợp)